Điều đáng nói, bà Nga dù là đảng viên, công tác tại cơ quan cấp tỉnh, nhưng chưa từng bị cơ quan nào của Hà Giang đặt vấn đề xử lý, trong khi những đảng viên khác liên quan đã bị kỷ luật.
Người nhắn tin nhiều nhất
Tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT 2018 tại tỉnh Hà Giang vừa qua, Viện KSND tỉnh Hà Giang đã công bố hàng loạt tin nhắn từ phụ huynh, người nhà thí sinh gửi đến máy điện thoại cá nhân của bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhờ giúp đỡ. Một trong những người nhiều lần nhắn tin cho bị cáo Chính có tên là Nga, Sở Tài chính Hà Giang. Cụ thể, chiều 29.6.2018, bà Nga sử dụng số điện thoại có 3 số cuối 888 nhắn: “Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu vừa thi 12. Bạn giúp mình với nhé”.
Tin nhắn tiếp theo của bà Nga gửi là tên, số báo danh, phòng thi, môn thi của thí sinh, số chứng minh thư... Tiếp đó, chiều cùng ngày, bà Nga nhắn: “Bạn thông cảm nhé mình biết đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều”. Sau đó bị cáo Triệu Thị Chính nhắn lại: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Vâng chị ơi em đang làm thi, tối cũng phải ăn cơm cùng đoàn thanh tra Bộ... Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận. Khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình. Nhưng quy chế chặt, thanh tra giám sát liên tục, lại chấm bằng máy nữa... có gì chị thông cảm cho em nhé”. Đến 8 giờ 54 phút ngày 1.7.2018, bà Nga tiếp tục gửi tin: “Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét, giúp được đến đâu hay đến đó. Chị biết mà” và bị cáo Chính nhắn trả lời: “Dạ em cảm ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng”.
Cơ quan công tố tỉnh Hà Giang khẳng định, các tin nhắn đến và đi nêu trên được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”. Theo thông tin của Viện KSND tỉnh Hà Giang, bà Nga là người đầu tiên và cũng là người nhắn tin nhiều nhất đến số điện thoại của bị cáo Chính nhờ giúp đỡ.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV Thanh Niên, dù có trong hồ sơ tố tụng, nhưng người tên là “bà Nga” không nằm trong danh sách hàng trăm người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được TAND tỉnh Hà Giang triệu tập phục vụ phiên xét xử. Trong quá trình tranh luận tại tòa, cũng không có cơ quan nào, HĐXX hay Viện KSND đặt vấn đề làm rõ bà Nga là ai, thân nhân như thế nào, xin nâng điểm cho thí sinh nào?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, người phụ nữ tên Nga nhắn tin đến điện thoại của bị cáo Triệu Thị Chính là bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp Sở Tài chính Hà Giang. Bà Nga là vợ của ông Nguyễn Văn Sơn, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh này.
“Lọt lưới” 36 đoàn kiểm tra!
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài chức danh là chuyên viên của Sở Tài chính Hà Giang, bà Nguyễn Thị Nga còn là đảng viên. Tuy nhiên, bà Nga cũng lọt luôn danh sách cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, kiểm điểm liên quan đến vụ gian lận trong thi cử.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) tỉnh Hà Giang đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 151 cán bộ, đảng viên có sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Trong số này có 46 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 42 người, cảnh cáo 1 người và khai trừ Đảng 3 người); 29 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật được yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; 57 cán bộ, đảng viên UBKT Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Giang đang tiếp tục kiểm tra, xem xét xử lý; 4 cán bộ, đảng viên tạm dừng kiểm tra, xem xét do mắc bệnh hiểm nghèo và chờ kết quả xét xử của TAND tỉnh Hà Giang.
Để xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã thành lập 36 đoàn công tác. Trong đó UBKT Tỉnh ủy thành lập 15 đoàn; các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thành lập 21 đoàn kiểm tra để xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm.
Qua kiểm tra, cùng hành vi có tính chất tương tự là nhắn tin nhờ bị cáo Triệu Thị Chính giúp đỡ, bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, và ông Lương Tiến Dũng, Phó bí thư Huyện ủy Bắc Quang, đã phải kiểm điểm và có tên trong danh sách cán bộ vi phạm được tỉnh Hà Giang công bố công khai.
Vậy vì sao bà Nguyễn Thị Nga “lọt lưới” 36 đoàn công tác tỉnh Hà Giang, phải chăng do là vợ của ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang hay vì lý do nào khác? Để làm rõ câu hỏi này, PV Thanh Niên đã liên lạc với nhiều vị lãnh đạo Sở Tài chính Hà Giang, Đảng ủy khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh Hà Giang, nơi quản lý trực tiếp đảng ủy Sở Tài chính, đồng thời liên lạc với một số đồng nghiệp của bà Nga tại Sở Tài chính. Thế nhưng, ngay sau khi nghe nhắc tên “chị Nguyễn Thị Nga” thì đầu dây đều trả lời “không nghe”, “không biết”...
Trong khi đó, PV đã nhiều lần gọi điện và nhắn tin cho ông Nguyễn Văn Sơn và cá nhân bà Nguyễn Thị Nga, cũng đều không nhận được sự phản hồi.
Tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, bị cáo Triệu Thi Chính bị Viện KSND tỉnh đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bà Chính bị cáo buộc đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi; vi phạm quy chế thi; đưa danh sách 12 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Hà Giang, nâng điểm môn ngữ văn.
Bị cáo Chính và Hoài đã thống nhất số điểm cần nâng đạt được, tuy nhiên vì lý do khách quan nên bị can Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm.
|
Bình luận (0)