'Viện trợ nơi nhiều mì tôm thì không có nước, nhiều nước thì không có mì tôm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/09/2019 11:55 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn ví dụ nêu trên và cho rằng, cần phải xem lại việc tiếp nhận viện trợ và phân bổ các khoản viện trợ thiên tai hiện nay.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống thiên tai và luật Đê điều tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9.9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự thảo luật đề nghị thành lập thêm Quỹ phòng, chống thiên tai ở T.Ư để tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định.
Theo ông Cường, do hiện Quỹ phòng chống thiên tai mới có ở cấp tỉnh nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
Ông Cường cũng khẳng định, Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư sẽ không tổ chức thu quỹ; sử dụng bộ máy hiện có của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về ohòng, chống thiên tai để quản lý và đảm bảo nguyên tắc không làm tăng biên chế.
“Cụ thể việc thành lập, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư và ở cấp tỉnh sẽ được quy định chi tiết trong nghị định của Chính phủ”, ông Cường thông tin.
Trình bày báo cao thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thường trực Ủy ban này đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai ở T.Ư để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ T.Ư và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương.

Phải tính kỹ nếu không thiếu sự đồng thuận của nhân dân

Cho ý kiến về đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, qua báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hiện nay, Quỹ phòng chống thiên tai ở địa phương thu tiền đóng góp của người dân và doanh nghiệp ở các địa phương đã có nhiều cái không đồng thuận. Bây giờ lại sinh ra Quỹ ở T.Ư thì lại sinh ra tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, theo ông Định, nguồn tài chính của quỹ chủ yếu là điều chuyển từ quỹ địa phương lên rồi quỹ lại dùng nguồn này chuyển cho địa phương khác. “Cái này phải tính rất kỹ, nếu không sẽ thiếu sự đồng thuận của nhân dân và các địa phương”, ông Định nêu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, việc thành lập thêm Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư là thêm rườm rà, không cần thiết. Theo ông Phúc, cần phải đánh giá lại xem việc tiếp nhận viện trợ và phân bổ các khoản viện trợ thiên tai hiện nay thế nào vì hiện nay người dân, tổ chức ủng hộ là đến tận nơi, trao quà cho người dân vì người ta không tin, sợ ủng hộ không đến được người dân.
“Chúng ta vẫn chưa có bộ phận chuyên nghiệp xem người dân cần cái gì, để điều hòa, phân bổ, tránh dồn vào một nơi. Có chỗ nhiều mì tôm quá mà không có nước, có chỗ nhiều nước mà không có mì tôm”, ông Phúc phân tích.
Tương tự, Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, việc tiếp nhận nguồn tài trợ, cần có đầu mối sự tiếp nhận này hiệu quả và người dân thấy rằng, viện trợ thực sự tới tay người dân vùng thiên tai. “Ví dụ tiếp nhận quần áo cho vùng lũ lụt thì để quần riêng, áo riêng thành ra nhận viện trợ nơi thì toàn áo, nơi thì toàn quần”, bà Nga nói và cho rằng phải làm rõ đầu mối tiếp nhận, phân bổ viện trợ để điều hành phối hợp hiệu quả phải hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho hay, theo báo cáo giám sát các quỹ tài chính ngoài ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây thì hiện có 8/48 Quỹ phòng, chống thiên tai địa phương chưa sử dụng được tiền của quỹ cho hoạt động phòng chống thiên tai. “Liệu có phải vì 8 ông không chi được tiền mà phải thành lập quỹ ở T.Ư để điều phối hay không?”, bà Nga nêu vấn đề.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, hiện tại cả nước có 61/63 tỉnh thành lập Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh, thu được 2.500 tỉ đồng nhưng tới nay mới chi được 1.000 tỉ đồng, còn lại 1.500 tỉ đồng vẫn chưa chi được. Do đó, cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư để làm công tác điều phối.
Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, hiện các tổ chức quốc tế ủng hộ, viện trợ thiên tai cho Việt Nam nhiều nhưng không có cơ quan nào tiếp nhận.
“Như Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ 16,2 triệu đô la Mỹ nhưng không có cơ quan tiếp nhận đành phải nhận bằng con đường ODA dẫn đến phải mất 2 năm mới giải ngân được”, ông Cường phân trần, và cho biết việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai là để tiếp nhận nguồn viện trợ từ bên ngoài và chi trực tiếp cho các tỉnh chứ không phải thu thêm.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai ở T.Ư là cần thiết, song cần phải nghiên cứu để làm phù hợp thực tế, đồng thời quy định rõ cơ chế điều hòa, sử dụng để tránh chồng chéo và địa phương không băn khoăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.