Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Vũ Hân
Vũ Hân
22/02/2021 21:15 GMT+7

Ngày 22.2, phát biểu tại khoá họp thứ 46 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phê phán "chủ nghĩa dân tộc vắc xin"

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 22.2, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có phát biểu tại phiên họp cấp cao của khóa họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Phiên họp có sự tham dự của hơn 115 đoàn cấp cao, trong đó có 7 tổng thống, 2 phó tổng thống, 4 thủ tướng, 9 phó thủ tướng, 1 quốc vụ khanh và 91 bộ trưởng.
Tại phiên họp, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh quyền con người là cơ sở kết nối nhân loại, giải quyết các xung đột và xây dựng hòa bình bền vững trong đó Hội đồng Nhân quyền là cơ quan toàn cầu chính để giải quyết các thách thức về quyền con người.
Ông cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến các thách thức về quyền con người trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng nặng nề tới các nhóm yếu thế và kêu gọi tập trung hành động trong hai lĩnh vực ưu tiên, gồm chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và bình đẳng giới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng phê phán chủ nghĩa dân tộc vắc xin, tình trạng phát tán các thông tin sai lệch hoặc tình trạng xâm phạm, thu thập, lợi dụng thông tin của người dân, để phục vụ lợi ích thương mại.
Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền, cũng phát biểu chia sẻ tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đối với việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thế giới và nhấn mạnh các giải pháp ứng phó với đại dịch cần dựa trên cơ sở bảo đảm các quyền con người, niềm tin của cộng đồng, các thể chế dân chủ hiệu quả.

"Đảm bảo quyền con người cần tính đến các đặc thù về lịch sử, chính trị, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia"

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, năm 2020 là năm khó khăn nhất trong nhiều thập niên qua. Đại dịch Covid-19 đã tước đi mạng sống của hàng triệu người, tác động đến đời sống của hàng tỉ người trên khắp thế giới. Đại dịch cũng tạo sức ép mạnh lên hệ thống y tế và an sinh xã hội của tất cả các nước, làm trầm trọng thêm những thách thức đối với việc thụ hưởng quyền con người.
Tuy nhiên, "chúng ta đã thấy có rất nhiều hy vọng", Phó thủ tướng nói, minh hoạ bằng việc thế giới đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, kinh tế từng bước phục hồi, vắc xin được nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong một thời gian kỷ lục, quá trình chuyển đổi số góp phần giải quyết các thách thức trên tất cả các mặt đời sống...
"Đại dịch cũng là cơ hội để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, dựa trên khả năng thích ứng, sáng tạo, hợp tác và đoàn kết ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Nhấn mạnh việc Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng, bảo đảm cho xã hội an toàn trước các dịch bệnh như Covid-19, là cách tốt nhất để bảo đảm cho mỗi thành viên trong xã hội được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, Phó thủ tướng cho biết, Việt Nam "tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay".
Việt Nam đã nỗ lực tối đa cho việc chống dịch Covid-19, trong đó đặt người dân vào trung tâm của các nỗ lực này. Chính phủ đã triển khai các hành động kịp thời và quyết liệt để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và coi bảo vệ sức khỏe, an toàn của người dân là ưu tiên cao nhất. Việt Nam cũng nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.
"Nhờ sự tham gia vào cuộc của cả Chính phủ, sự đồng lòng ủng hộ và đoàn kết của người dân, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam", Phó thủ tướng thông tin, và cho rằng "kinh nghiệm và thành tựu Việt Nam đạt được đã cho thấy rõ ràng rằng các nỗ lực đảm bảo quyền con người cần tính đến các đặc thù về lịch sử, chính trị, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia".
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng lưu ý, dịch Covid-19 không bỏ qua một quốc gia nào và "không ai có thể an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn", kêu gọi đoàn kết và hợp tác quốc tế để cùng vượt qua thử thách.
Về phần mình, Việt Nam cũng đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và các đối tác quốc tế để phòng chống dịch...
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng cũng thông báo việc Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với "mong muốn đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người".
"Việt Nam vinh dự được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Chúng ta tin tưởng có thể cùng nhau vượt qua các thách thức do đại dịch hiện nay gây ra và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.