Quy trình sản xuất nước sạch sông Đà như thế nào?
Liên quan đến vụ nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cả triệu người dân Hà Nội, tại họp báo chiều nay, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình sau khi tóm tắt "tiểu sử" Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), đã cho hay tại tỉnh Hòa Bình, các công trình đầu mối Nhà máy xử lý nước sạch sông Đà gồm các hệ thống: họng thu, kênh mương dẫn nước thô, hồ Đầm Bài là hồ chứa nước, các trạm bơm, các bể xử lý nước sạch được xây dựng tại xã Phú Minh, Hợp Thành của huyện Kỳ Sơn.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, hiện nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sạch. Việc đổ trộm dầu thải tại xã Phúc Tiến chỉ gây ra ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài.
Sau khi vớt váng dầu, ngày 10.10, lòng suối được rải khoảng 1 tấn than hoạt tính khoảng 200 m, tính từ điểm tiếp nhận dầu thải trên suối. Đến 15.10, Viwasupco đã cho thu gom than hoạt tính trải trên lòng suối trước đó, đem về lưu giữ trong khuôn viên nhà máy.
|
Quy trình sản xuất nước sạch sông Đà trong đợt nguồn nước này bị ô nhễm được UBND tỉnh Hòa Bình tóm lược như sau: Tại nhà máy, nước đầu vào được bơm bằng 2 bơm thay nhau, công suất 6.670 m3/giờ, tổng lượng nước thô đầu vào khoảng 320.000 m3/ngày đêm. Sau đó, nước được đưa vào 2 bể trộn thủy lực có công suất 160.000 m3/ngày đêm/bể. Tại đây, nước được châm phèn từ 20 - 35 mg/lít (tùy theo chất lượng nước đầu vào).
Ngày 9.10, khi phát hiện có dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu, Viwasupco đã châm phèn từ 70 - 80 mg/lít và bổ sung thêm than hoạt tính 10 - 15mg/lít nước thô đầu vào. Sau đó, nước đi vào 12 bể phản ứng, mỗi bể có dung tích 585 m3 và chia thành 3 ngăn, trước khi đưa sang bể lắng Lamen.
Sau đó, nước trong được thu trên mặt, còn cặn bùn được lắng xuống đáy sẽ đưa xuống bể xử lý. Tiếp đó, nước trong sẽ được đưa vào bể lọc nhanh rồi được đưa sang bể pha trộn clo để châm clo khử trùng từ 0.9 - 1.2mg/lít (để đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) trước khi bơm vào bể chảy vào đường ống cấp nước cho người dân.
Tại khu vực chứa bùn thải, cặn bông thải, có 4 bể chứa bùn thải, diện tích hơn 2.700 m2/bể. Trong đó, 2 bể bùn số 1 và 2 đang được phơi khô, bể số 3 và 4 đang tiếp nhận bùn thải từ bùn phát sinh tại bể lắng, rửa lọc, thường xả bùn 2 lần/ngày với tổng lượng thải từ 1.200 - 1.400 m3 bùn loãng. Sau đó, bùn lắng lại ở trong bể, còn nước từ bùn thải khoảng 400 - 450 m3 chảy ra suối Bằng.
Khẩn trương xây dựng đường ống dẫn nước thô kín từ sông Đà vào nhà máy
UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu Viwasupco trước mắt phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa đối với hồ Đầm Bài.
|
Về lâu dài, để đảm bảo chất lượng nước mặt sông Đà cung cấp cho nhà máy, Viwasupco phải thực hiện tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước phục vụ hoạt động của nhà máy; đồng thời, tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp kịp thời kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo đến các cơ quan chức năng của địa phương, Trung ương.
Do hồ Đầm Bài có diện tích rộng (69 ha), diện tích lưu vực lớn (16 km2) cùng nhiều suối nhỏ dẫn vào hồ nên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về hồ. UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu Viwasupco cần khẩn trương có giải pháp đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín từ sông Đà và trạm bơm, để bơm trực tiếp nước thô từ sông Đà lên bể lắng sơ bộ đặt trong khu xử lý, và dẫn vào trạm xử lý để đảm bảo an toàn cấp nước cho nhà máy nước sông Đà, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm 2 bên lưu vực kênh dẫn dòng và lưu vực hồ Đầm Bài.
Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 11.2010, cấp thay đổi lần thứ 3 vào tháng 7.2013 với tên gọi là Công ty CP nước sạch Vinaconex.
Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông của chủ đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex được Thủ tướng cho phép thực hiện từ năm 2003.
Dự án có mục tiêu khai thác nguồn nước mặt sông Đà, cấp nước sạch tại vùng thủ đô Hà Nội: Khu vực vệ sinh phía tây TP.Hà Nội như Sơn Tây, Láng Hòa Lạc, Xuân Mai; các đô thị sinh thái TP.Hà Nội là huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn… Công trình nằm trên 2 địa phận tỉnh Hòa Bình và TP.Hà Nội. Ở TP.Hà Nội là hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà dọc theo đại lộ Thăng Long.
|
Bình luận (0)