Vượt qua Covid-19: Những dấu ấn đáng nhớ

23/04/2021 06:19 GMT+7

Ngày 23.1.2020, Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 (khi đó gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đầu tiên được phát hiện. Sau đó tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới.

Những ngày đầu năm 2020, khi đó Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, các đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện của Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang thực hiện đánh giá chất lượng các đơn vị cuối cùng, thì cũng là lúc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona đang bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Lo ngại trước một dịch bệnh hoàn toàn mới có nguy cơ xâm nhập Việt Nam, để chủ động trong công tác điều trị, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tham mưu và đề xuất lãnh đạo Bộ, thúc đẩy hoạt động của Hội đồng các bệnh truyền nhiễm do GS-TS Nguyễn Văn Kính làm Chủ tịch hội đồng, cùng các thành viên là chuyên gia chuyên ngành phổi, hô hấp, bệnh truyền nhiễm… xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV, sau được gọi là SARS-CoV-2) theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16.1.2020. Hướng dẫn này được đánh giá ra đời kịp thời, đáp ứng cho công tác chống dịch.
Lúc này bên Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong.
Ngày 23.1.2020, Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 (khi đó gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đầu tiên được phát hiện. Sau đó tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới. Đây là những thách thức đối với Tiểu ban Điều trị và hệ thống khám chữa bệnh.

Phản ứng nhanh, hội tụ tinh hoa

Để đương đầu với những khó khăn trước mắt, cũng như để hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã đề xuất thành lập các đội cơ động chống dịch. Theo đó, 51 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch được thành lập. Trong đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh thành lập Đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin - tổng hợp báo cáo, và Tổ hậu cần.
Ngay khi “ổ dịch Sơn Lôi” Vĩnh Phúc bùng phát và được khoanh vùng, Đội cơ động của Bộ Y tế do PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, làm đội trưởng đã có mặt tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đi cùng còn có Đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng có mặt để hỗ trợ Trung tâm y tế Bình Xuyên quản lý, thu dung và điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19.
Tại đây, Đội cơ động phản ứng nhanh đã hướng dẫn các cán bộ Trung tâm y tế từ những việc đơn giản như mặc đúng trang phục phòng hộ cá nhân, cách thu gom rác thải… đến việc theo dõi quản lý, điều trị bệnh nhân dương tính. PGS-TS Lương Ngọc Khuê xác định phải xây dựng mô hình Trung tâm y tế tuyến huyện Bình Xuyên điểm để đáp ứng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ, và có sự hỗ trợ chủ động, tích cực từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến T.Ư. Đây cũng là cơ sở cho việc phân tuyến điều trị và khẳng định có thể điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại tuyến huyện.
Tiếp sau đó, Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ra mắt. Trung tâm tập trung trí tuệ của các chuyên gia giỏi hàng đầu của Việt Nam trong tất cả các chuyên ngành, phát huy sức mạnh tổng lực của các chuyên khoa, tinh hoa của cả nền y học Việt Nam: GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm; GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; GS-TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam…
Trong ngày 8.3.2020, khi tham dự một buổi hội chẩn tại trung tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ giáo sư trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Trung tâm đã ghi dấu những buổi hội chẩn nhiều cảm xúc như hội chẩn các ca bệnh nặng như bệnh nhân 91, 19, 161… Tập thể tuyến đầu chống dịch với sự đồng lòng và quyết tâm mà nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19.

Những ngày tháng tư

Tháng 4.2020, khi cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cán bộ Cục Quản lý khám, chữa bệnh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình là cơ quan thường trực của Tiểu ban Điều trị. Trong khi các cơ quan, đơn vị có thể luân phiên làm việc tại nhà, các cán bộ, nhân viên của Cục 100% phải đi làm, không được nghỉ phép, thậm chí không có ngày nghỉ vì phải thường xuyên tham gia các cuộc họp chuyên môn, hay lên đường đi kiểm tra tình hình chống dịch tại các bệnh viện.
Nhưng hơn lúc nào hết, Cục lại nhận được sự động viên của các tổ chức, cá nhân cho cán bộ tuyến đầu chống dịch. Nơi tặng khẩu trang, nơi tặng nước sát khuẩn, thực phẩm nâng cao sức khỏe. Những suất cơm hộp mà ấm nóng tình người, những cốc cà phê xua tan đi cơn mệt mỏi, những ly nước cam, chanh leo thanh mát của các đơn vị bạn bè, người thân hỗ trợ mà rưng rưng xúc động... Những bữa ăn quá bữa, những buổi đi làm về muộn cũng đã là thông lệ...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không bỏ ai lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19, Cục đã xây dựng các Hướng dẫn phòng chống bệnh dịch cho các đối tượng nguy cơ cao cho người cao tuổi, người khuyết tật; Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm trong dịch Covid-19; Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19; Hướng dẫn chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân suy thận mãn trong dịch Covid-19 và thường xuyên cập nhật hướng dẫn theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Nâng cao năng lực và mở rộng xét nghiệm

“Chậm một giây xét nghiệm, cả nước lo âu” là câu khẳng định nổi tiếng của PGS-TS Lương Ngọc Khuê tại thời điểm đầu của dịch Covid-19. Đây là nhận định quan trọng góp phần đẩy mạnh và mở rộng hoạt động xét nghiệm trong cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới với số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia, nhận thấy xét nghiệm đóng vai trò quan trọng phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, thẩm định và cho phép các đơn vị xét nghiệm tại các BV đủ năng lực được phép tiến hành xét nghiệm sàng lọc và khẳng định Covid-19 theo đúng tiêu chuẩn của WHO.
Việc chủ động trong công tác xét nghiệm tại các BV giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Đây là một trong những biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo xét nghiệm chính xác, nhanh chóng phát hiện ca bệnh; từ đó tiến hành cách ly, tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch tại chỗ đạt hiệu quả cao.
Từ chỉ có 3 cơ sở đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, đến nay đã có trên 50 cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực xét nghiệm và đảm bảo an toàn xét nghiệm.

Khi các bệnh viện bị phong tỏa

Trong đại dịch Covid-19, các BV là nơi nguy cơ xảy ra dịch và lây nhiễm chéo. Bắt đầu từ BV Hồng Ngọc rồi tiếp đến BV Bạch Mai (Hà Nội). Đặc biệt, BV Bạch Mai là 1 ổ dịch với hơn 20 người mắc. Khi đó, nhiều cán bộ của Cục trở thành thành viên của Tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại BV Bạch Mai.
Một loạt biện pháp đã được đưa ra như đề nghị Giám đốc BV Bạch Mai áp dụng nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế; hạn chế và kiểm soát nghiêm việc người nhà, người thân đến thăm người bệnh đang điều trị; hạn chế tối đa tiếp nhận người bệnh nội trú và ngoại trú trong thời gian kiểm soát dịch tại BV. Đồng thời, hạn chế người nhà chăm sóc người bệnh còn nằm lại BV (tối đa 1 người/1 bệnh nhân); hạn chế chuyển bệnh nhân, điều tiết bệnh nhân về các cơ sở tại Hà Nội...
Bài học của BV Bạch Mai giai đoạn 1 và tại một số BV ở Đà Nẵng trong giai đoạn 2 của dịch đã cho thấy công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ sống còn của các BV.

Giữ vững tinh thần

Những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các cán bộ Cục Quản lý khám, chữa bệnh phải trực thường xuyên. Những ngày tết bị cuốn đi rất nhanh với những buổi họp của Hội đồng chuyên môn, của các kíp trực. Không được hưởng cái tết trọn vẹn là cảm xúc của hầu hết cán bộ y tế, trong đó có các cán bộ, nhân viên Cục Quản lý khám, chữa bệnh.
Cho đến hiện nay, mặc dù tình hình dịch tạm ổn, nhưng những áp lực công việc, những đòi hỏi của công tác chống dịch trong tình hình mới vẫn còn hiện hữu. Các cán bộ, nhân viên Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý khám, chữa bệnh luôn giữ vững tinh thần, đoàn kết và không lơ là chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.