Trung Quốc cảnh báo khả năng ‘chiến tranh thương mại’ sau khi EU tăng thuế nhập xe điện

Trung Quốc cảnh báo khả năng ‘chiến tranh thương mại’ sau khi EU tăng thuế nhập xe điện

23/06/2024 08:30 GMT+7

Trung Quốc cảnh báo căng thẳng leo thang với Liên minh châu Âu (EU) về việc nhập khẩu xe điện có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại, khi Bộ trưởng Kinh tế Đức đến thủ đô Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề này.

Trung Quốc ngày 21.6 đã cảnh báo rằng nước này có thể bị kéo vào một cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Những bình luận này được đưa ra khi căng thẳng leo thang về mức thuế mới của EU áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck đã đến Bắc Kinh trong cùng ngày, và trong chương trình nghị sự của ông, thảo luận về mức thuế là điều ưu tiên.

Ông cho biết chiến lược của Đức về Trung Quốc cần được cập nhật, bao gồm một kế hoạch dài hạn hơn và tính đến cách tiếp cận của châu Âu. Ông lập luận thêm rằng chiến lược này thiếu định hướng về cách Đức nhìn nhận mối quan hệ trung hạn giữa hai nước.

Chuyến đi kéo dài ba ngày của ông Habeck là chuyến đi đầu tiên của một quan chức cấp cao châu Âu kể từ khi Brussels đề xuất mức thuế như trên.

Trung Quốc cảnh báo khả năng ‘chiến tranh thương mại’ sau khi EU tăng thuế nhập xe điện- Ảnh 1.

Một chiếc ô tô điện đang sạc tại trạm sạc xe điện (EV) của tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc PetroChina ở Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 2.2.2024

REUTERS

Động thái này dẫn đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và sự chỉ trích gay gắt từ Bắc Kinh.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thúc giục chính quyền tăng thuế đối với ô tô chạy bằng xăng nhập khẩu từ châu Âu. Chính phủ cũng đã tiến hành điều tra bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Chuyến thăm của Bộ trưởng kinh tế Đức được coi là cơ hội để Berlin giải thích về thông báo áp thuế gần đây. Đây cũng là cơ hội để xoa dịu nguy cơ trả đũa từ Trung Quốc có thể gây tổn hại đến các doanh nghiệp Đức.

Tiếng nói của Đức có sức nặng đặc biệt và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của nước này đã phản đối việc EU áp thuế cao.

Berlin đã thúc giục đối thoại trong khi cũng mong đợi Bắc Kinh thỏa hiệp.

Các nhà sản xuất ô tô của Đức sẽ là những người dễ bị ảnh hưởng nhất trước bất kỳ động thái phản công nào từ Bắc Kinh vì một phần ba doanh số của họ đến từ Trung Quốc vào năm ngoái.

Truyền thông Trung Quốc mô tả chuyến thăm của ông Habeck là cơ hội để xoa dịu căng thẳng. Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng Đức nên tìm kiếm sự đồng thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.