Thông vốn cho nền kinh tế

09/09/2023 04:49 GMT+7

Doanh nghiệp khát vốn trong khi ngân hàng phải chữa 'bệnh thừa tiền' là nghịch lý đang tồn tại hiện nay. Càng đáng lo ngại hơn khi hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chính sách tiền tệ đã gần hết dư địa.

Nghĩa là vốn phải trông chờ vào nhiều kênh khác chứ không chỉ dựa vào các nhà băng.

Điều này là đương nhiên, vốn trong nền kinh tế đến từ nhiều nguồn. Trong đó, ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn lưu động, còn vốn trung và dài hạn phải trông chờ vào kênh trái phiếu doanh nghiệp hoặc huy động qua thị trường chứng khoán. Thế nhưng, chúng ta đều biết kênh trái phiếu và chứng khoán vẫn đang nghẽn sau một loạt vi phạm bị xử lý trước đó. Để khơi thông lại cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều. Chưa kể đặc thù của Việt Nam lâu nay là hệ thống ngân hàng vẫn đang gánh phần lớn vai trò cung cấp vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, kênh này mà phải "chữa bệnh thừa tiền", mà tồn kho như các ngành sản xuất khác như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói mới đây thì rất đáng lo. Các nhà băng thì bảo doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhu cầu vốn ít nhưng khảo sát của Thanh Niên cho thấy rất nhiều công ty không tiếp cận được tín dụng. Vậy đâu là nút thắt ?

Câu trả lời là cả hai phía. Ở đầu cầu, kinh tế khó khăn, tiêu dùng giảm trong khi lãi vay vẫn cao thì sản xuất cũng cầm chừng, nhiều doanh nghiệp không có hoặc có nhưng cũng tạm hoãn vay vốn để tránh rủi ro nên nhu cầu vốn giảm. Phía đầu cung, ngân hàng vẫn bảo thủ trong điều kiện tiếp cận vốn. Nền kinh tế đã trải qua gần 4 năm khó khăn, tồn tại được đến thời điểm này đã là thành công của nhiều công ty, mà cứ bắt họ phải có lãi liên tục, có tài sản thế chấp "ngon lành", có đầu ra bảo đảm 100%... mới cho vay thì những doanh nghiệp đáp ứng được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, cả cung lẫn cầu đều mạnh ai nấy giữ thì sao có thể gặp nhau?

Tiếp cận theo góc độ này, muốn khơi thông vốn tín dụng vẫn còn dư địa rất lớn. Để cộng đồng doanh nghiệp khỏe lên, sản xuất phục hồi thì chính sách tài khóa phải được thực hiện quyết liệt. Đó là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đưa các dự án, công trình trọng điểm tăng tốc. Một công trình "chạy" sẽ kéo theo hàng loạt nhà máy sản xuất nguyên vật liệu tăng công suất, tiêu thụ một khối lượng khổng lồ sắt, thép, xi măng, gỗ, gạch, giải quyết công việc cho hàng ngàn, hàng vạn lao động... Nếu hàng trăm công trình cùng chạy thì nhu cầu vốn sẽ tăng cấp số nhân, làm gì có chuyện tồn kho tiền ở các nhà băng như hiện nay. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng phải vận dụng linh hoạt mọi giải pháp để xử lý hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp. Có câu "Tình thế đặc biệt cần giải pháp đặc biệt". Chứ tình thế đặc biệt mà mọi yêu cầu, điều kiện lại siết mạnh hơn lúc bình thường thì không chỉ ế vốn, các ngân hàng còn cho thấy hạn chế trong năng lực thẩm định cũng như "ích kỷ" trong sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp, với nền kinh tế.

Chính phủ vẫn đang quyết liệt giải ngân đầu tư công; trái phiếu doanh nghiệp đã có tín hiệu ấm trở lại; chứng khoán cũng đang trải qua những ngày thăng hoa, đơn hàng xuất khẩu bắt đầu khởi sắc, dư địa tín dụng thì còn rất lớn và thông thường, quý cuối cùng của năm là lúc nhu cầu vốn tăng mạnh nhất. Đây là lúc cần sự phối hợp và linh hoạt chứ không phải cứ "nhìn nhau", đẩy sang nhau.

Thông vốn để phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách nhất khi quý cuối cùng của năm tài chính 2023 đã chính thức bắt đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.