Thử nghiệm vắc xin chống ung thư đã thành công giai đoạn đầu

Thiên Lan
Thiên Lan
09/06/2022 04:02 GMT+7

Vắc xin ung thư tuyến tụy có thể là 'vũ khí quan trọng mới chống lại căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất này'.

Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ ở Chicago (Mỹ), đã phát minh ra vắc xin ung thư đầu tiên được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch để nhận biết và tấn công các khối u.

Ung thư tuyến tụy được cho là căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất bởi vì có tỷ lệ sống sót thấp nhất, với chỉ 1/4 trường hợp sống được 1 năm.

Các nhà khoa học đã phát triển phương pháp điều trị đột phá cho bệnh ung thư tuyến tụy bằng cách sử dụng chính công nghệ mRNA từng được sử dụng trong vắc xin Covid-19.

Nhằm mục đích ngăn chặn các khối u phát triển trở lại sau khi phẫu thuật, vắc xin này sẽ tăng cường khả năng cơ thể tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư, với hy vọng nhiều bệnh nhân có thể được chữa khỏi hơn. Có thể nói, vắc xin có thể trở thành “một vũ khí mới quan trọng chống lại căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất này”, theo Express.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) ở New York (Mỹ) đã hợp tác với công ty BioNTech của Đức - nổi tiếng với vắc xin Covid-19.

Tiến sĩ Vinod Balachandran, thuộc MSK, cho biết: Không như các loại ung thư khác có triển vọng, đối với ung thư tuyến tụy hiện tất cả các liệu pháp hầu như không hiệu quả. Nhưng những loại vắc xin mRNA này dường như có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy.

Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân lập được kỳ tích sống sót lâu hơn - có các protein trong khối u “ra hiệu” cho các tế bào miễn dịch nhắm mục tiêu. Các nhà khoa học bắt đầu tìm cách tạo ra hiệu ứng này.

Vắc xin ung thư tuyến tụy có thể là “vũ khí quan trọng mới chống lại căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất”

Shutterstock

Các mẫu khối u của 16 người trong một cuộc thử nghiệm ở Mỹ đã được chuyển từ New York đến Đức, và mỗi loại vắc xin được sản xuất bằng mRNA có chứa thông tin di truyền cụ thể cho các protein trong khối u của bệnh nhân.

Khi được tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể sản xuất các protein này để các tế bào miễn dịch học cách nhận biết chúng.

16 bệnh nhân nhận được một loại thuốc điều trị miễn dịch, sau đó là 9 liều vắc xin, được tiêm qua tĩnh mạch nhỏ giọt.

Một nửa số bệnh nhân phản ứng tốt và đã kích hoạt các tế bào T nhận ra các tế bào khối u.

Vắc xin ung thư lần đầu tiên được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch để nhận biết và tấn công các khối u

Shutterstock

Sau 18 tháng, không ai trong số 8 bệnh nhân này bị ung thư tái phát. Trong số những bệnh nhân còn lại, 6 bệnh nhân đã tái phát, theo Express.

Tiến sĩ Balachandran cho biết cần có những thử nghiệm lớn hơn nhưng kết quả ban đầu cho thấy những bệnh nhân có phản ứng tốt có thể không bị ung thư.

Ông Balachandran giải thích rằng cần 9 lần truyền, 8 liều chính và một liều tăng cường - vì việc huấn luyện cơ thể tự tấn công các tế bào sẽ khó hơn nhiều so với đưa mầm bệnh xâm nhập như vắc xin Covid-19.

Ông Balachandran nói thêm: Từ đây, chúng tôi hy vọng, có thể thử nghiệm công nghệ mRNA này trên các loại ung thư khác một cách rộng rãi hơn.

Giáo sư Özlem Türeci, người đồng sáng lập BioNTech, cho biết kết quả của nghiên cứu giai đoạn 1 này rất đáng khích lệ. Chúng tôi muốn đánh giá thêm những kết quả ban đầu này trong một nghiên cứu lớn hơn, theo Express.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.