Theo đó, tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí (từ vành đai 3 vào trung tâm) khoảng 2.646 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 thí điểm 15 trạm tại 9 vị trí với 456,27 tỉ đồng; giai đoạn 2 xây 59 trạm tại 46 vị trí với 1.794 tỉ đồng và giai đoạn 3 hoàn chỉnh thêm 13 trạm tại 13 vị trí với 395,43 tỉ đồng. Giai đoạn thí điểm sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách TP, lắp đặt các trạm thu phí tại các nút giao trọng điểm, thường xuyên ùn tắc. Giai đoạn 2 và 3 đầu tư bằng ngân sách hoặc thu hút nhà đầu tư.
Hà Nội xây dựng đề án thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông |
ngọc thắng |
Đề án tạm thời xác định tổng tiền phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc thu hằng năm trên cơ sở mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng 1.175 tỉ đồng/năm, giai đoạn 3 khoảng 1.326 tỉ đồng/năm.
Theo đơn vị tư vấn đề xuất xem xét mức thu phí linh hoạt thay đổi theo các khung giờ, cao điểm và thấp điểm. Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho tất cả phương tiện. Cụ thể, mức phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần): đối với các ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) đề xuất từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt. Đối với ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, mức thu đề xuất từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt. Các ngày cuối tuần và ngày lễ không thu phí.
Các phương tiện được giảm phí theo đề xuất là ô tô kinh doanh vận tải, gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại; ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực; ô tô của cơ quan công sở trong khu vực (sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường). Đối tượng miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội...), xe công vụ và xe buýt công cộng.
* Ngày 29.10, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã kiến nghị UBND TP giao Sở KH-ĐT tham mưu đề xuất lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm; đồng thời hướng dẫn Công ty CP công nghệ Tiên Phong lập hồ sơ đề xuất dự án. Sở GTVT đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (hợp đồng BLT) trong thời hạn 10 năm và không tái đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự kiến 2.274 tỉ đồng, trong đó chi phí đầu tư ban đầu 478 tỉ đồng, chi phí vận hành (bao gồm lãi vay) trong 10 năm khoảng 1.796 tỉ đồng. Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện dự án, triển khai trong năm 2021.
Dự án sẽ xây dựng hệ thống cổng thu phí trên các tuyến đường vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm gồm Q.1 và Q.3, giáp ranh Q.5, Q.10. Các vị trí dự kiến gồm: đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng 8, đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và đường Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, cổng thu phí cũng được xây dựng trên các tuyến đường hiện có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như đường Trường Sơn và Cộng Hòa. Dự án sử dụng giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng VETC và VDTC để thu phí các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí.
Bình luận (0)