Thu phí thoát nước mưa

Đình Sơn
Đình Sơn
19/12/2019 07:45 GMT+7

Hiện nay tại TP.HCM và nhiều nước trên thế giới đang chống ngập bằng bể chứa, máy bơm, cống thoát nước, kênh rạch...

Đó là ý kiến đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về thực trạng triển khai các giải pháp giảm ngập nước trong 5 năm qua, cũng như đề xuất các giải pháp và chỉ tiêu định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức ngày 18.12.

Chống ngập bằng... hóa chất ?

Việc xử lý xả rác làm bít các cống, hạn chế dòng chảy TP có thể làm được nhưng không quyết tâm. Nếu địa bàn không quản, không làm được thì cán bộ liên quan phải bị xử lý, đưa vào thi đua.

Th.S Nguyễn Ngọc Thiệp

Theo TS Đặng Vũ Trọng, đại diện cho Tập đoàn SNF (Canada), hiện nay tại TP.HCM và nhiều nước trên thế giới đang chống ngập bằng bể chứa, máy bơm, cống thoát nước, kênh rạch... Các giải pháp này kinh phí thường cao, thời gian xây dựng kéo dài, trong khi việc chống ngập là cấp bách.
Để giải quyết ngay các điểm ngập, có thể dùng hóa chất Drap Reduction Polymer (DRP) hòa tan vào nước, có thể giúp tăng công suất dòng chảy lên tới 40% và không ảnh hưởng đến môi trường. “Khi cho hóa chất này vào nước có thể giúp làm giảm lực cản của dòng chảy, từ đó giúp cho dòng chảy nhanh hơn. Hiện chất này cũng được dùng trong vận chuyển dầu bằng đường ống, hệ thống tưới tiêu”, ông Trọng cho biết và dẫn ví dụ năm 1974, tại thành phố Bristol (Anh) đã dùng chất DRP bỏ vào nước giúp công suất thoát nước tăng 30% so với thông thường đối với loại cống 300 mm. Tại Mỹ, chất này được dùng trong một trạm bơm ở thành phố Denver (bang Colorado), công suất thoát nước tăng 37%. Chính vì vậy, từ năm 2002, thành phố Denver đã quyết định dùng chất DRP vào ứng dụng trong việc thoát nước, chống ngập.
Tại Canada vào Thế vận hội mùa đông năm 2010 ở thành phố Whestle, chính quyền sở tại đã dùng hóa chất DRP để chống ngập khi tiếp nhận thêm 70.000 khách du lịch so với 10.000 người ngày thường, hơn nữa thời điểm này còn xảy ra tình trạng mưa. Việc bơm hóa chất DRP vào các đường cống thoát nước giúp công suất tăng lên từ 20 - 30%, làm cho mực nước thấp xuống. Theo ông Trọng, chất DRP có kinh phí đầu tư và vận hành thấp, với nồng độ ở cấp phần triệu đã giúp giải pháp này vượt trội so với giải pháp cơ khí khi 1 m3 nước chỉ cần dùng 20 gr chất DRP.

Ưu tiên dự án 10.000 tỉ đồng

Th.S Nguyễn Ngọc Thiệp, Trường đại học Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho rằng cần nghiên cứu đập làm giảm năng lượng dòng triều để tránh rủi ro cho lưu vực bên trong đập trong trường hợp thiên tai cực đoan. Đầu tư bờ kè dọc bờ tả và hữu sông Sài Gòn, kết hợp ưu tiên giao thông và cảnh quan. Kiểm soát triều, lũ trên sông Chợ Đệm ở hạ nguồn, trên sông Vàm Cỏ Đông ở thượng nguồn. Nghiên cứu lập trạm bơm công suất lớn phù hợp với từng tiểu vùng khi kết hợp với cống/đập ngăn triều cho kênh rạch thành hồ điều tiết tự nhiên. Do thiếu đất để xây dựng hồ điều tiết nhân tạo, nên cần mở rộng tiết diện cống thoát nước thêm 30 - 40% nhằm tăng thể tích trữ trên mạng lưới. Đồng thời cần hạ thấp cốt nền của thảm xanh thực vật nhân tạo (công viên cây xanh, hành lang cây xanh theo trục giao thông) thấp hơn mặt đường khoảng 10 - 20 cm, nhằm tạo hồ trữ nước lớp mỏng, giúp trữ nước ngắn hạn, giảm sự tập trung nước mưa, giảm áp lực cho mạng lưới cống ngầm thoát nước. Theo Th.S Thiệp, TP cần đặt mục tiêu trong 10 năm mềm hóa từ 3 - 5 triệu m2 (khoảng 300 - 500 ha) các vỉa hè, các mặt bằng nơi công cộng bằng các loại vật liệu thấm nước nhanh, nhiều.
“TP cần nghiên cứu đề án, tiến đến thu phí thoát nước mưa đối với các công trình xây không hết diện tích đất mà không có công trình điều tiết nước mưa. Cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, cơ chế cho các chủ thể, cá nhân có giải pháp triển khai tại chỗ trong việc tiêu hay điều tiết nước mưa cục bộ. Hộ gia đình, công sở phải có giải pháp trữ và tiêu nước”, vị này nhấn mạnh.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá TP cần ưu tiên đầu tư một số công trình chống ngập, trong đó ưu tiên số 1 là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Bởi đây là dự án có thể giải quyết căn cơ bài toán chống ngập do triều cường, biến đổi khí hậu cũng như do mưa lớn. Nếu cứ để dự án “trôi” đi như vậy sẽ gây tác hại rất lớn ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ và tiền ngân sách. Do đó, phải có một mốc quyết định thời hạn hoàn thành cho công trình này.
“Năm 2020 chọn dự án này để kiểm toán. Nếu như vậy chắc 10 năm nữa mới xong. Tuy nhiên cần làm thật gấp dự án đê bao chống ngập 10.000 tỉ đồng, bởi các giải pháp khác đã làm nhiều, làm năm này qua năm khác vẫn không chống được ngập”, TS Kim Cương nhấn mạnh.
TS Hồ Tuấn Đức, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, nhận định vấn đề của thoát nước TP.HCM là rác ở các cống thoát nước quá nhiều. Các chuyên gia tại ĐH Tài nguyên - Môi trường, cũng đồng quan điểm khi cho rằng tại khu vực nội thành, hiện nay lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh nên chất thải, thức ăn dư thừa, rác thường thải ra đường, tại các miệng cống thoát nước, trên các kênh, sông rạch... đã hạn chế việc thoát nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.