Vừa chống ngập, vừa khai thác dịch vụ
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ý tưởng làm đê bao chống ngập xung quanh TP được nhắc đến. Từ năm 2017, khi những con số “kinh khủng” về tốc độ lún, độ chênh giữa mặt đất và nước biển có thể nhấn chìm TP.HCM trong 30 - 50 năm tới được đưa ra, lãnh đạo TP đã tính tới việc đầu tư xây dựng hệ thống đê bao toàn TP và từng vùng ven sông. Bên cạnh dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” với tổng kinh phí hơn 10.000 tỉ đồng đang triển khai (trong đó có xây tuyến đê bao xung yếu ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh), ước tính TP cần 20.000 tỉ đồng nữa để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống đê bao. Điều này rất khó khả thi trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và TP đang cần vốn để đầu tư nhiều công trình hạ tầng khác.
“Việc tích hợp đê bao và khai thác dịch vụ theo đề xuất lần này của các chuyên gia Hà Lan sẽ thu hút các doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia đầu tư. Như vậy vừa không tốn tiền ngân sách, DN có thêm chỗ kinh doanh và người dân có thêm các địa điểm, sản phẩm vui chơi, giải trí”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá. Ước tính tổng kinh phí cho công trình chống ngập tại 2 quận theo đề xuất của các chuyên gia Hà Lan là 1.266 triệu USD.
Phải đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị
Đánh giá dùng đê bao ngăn nước xâm nhập do triều là giải pháp tốt, song TS Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, lưu ý khi ngăn nước thì bắt buộc bên trong sẽ phải có nơi chứa nước và có các hệ thống điều tiết để dẫn dòng chảy về nơi chứa nước. Tất cả phải nằm trong tổng thể quy hoạch chống ngập và quy hoạch đô thị chung của TP. Trong bối cảnh hiện nay, khi quy hoạch chống ngập, quy hoạch cốt nền còn chưa có thì không thể đánh giá các biện pháp là khả thi hay không.
“Chống ngập không thể chia theo ranh giới hành chính mà phải có quy hoạch theo vùng, theo các dòng chảy. Theo đó, quy hoạch chống ngập Q.9, Q.2, Thủ Đức phải đặt trong tổng thể quy hoạch của Bình Dương, Dĩ An... vì có liên quan đến lưu vực tự nhiên của dòng chảy và đường thoát nước. Do đó, đầu tiên phải có nghiên cứu tổng thể, quy hoạch cao độ, mặt bằng, mật độ dân cư... rồi mới tới phân nhánh ngăn nước chống ngập. Từ quy hoạch tổng thể mới tính đến các kịch bản, nội dung chống ngập khác nhau, hướng thế này, thế kia... Sau đó có giải pháp dung hòa giữa nhiều ý tưởng rồi mới tiến tới các dự án ưu tiên. Lúc đó mới khẳng định được làm đê bao hay không, làm khúc nào, loại hình đê bao có mục đích về kinh tế”, ông Công lưu ý.
Đồng tình, TS Lê Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định các công trình mang tính kỹ thuật như vậy nếu có tác dụng cũng chỉ nhất thời. Nếu không đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị, cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ đắp đê, chống ngập như hiện nay thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển. Cần tính toán cụ thể tuyến đê bao sẽ có tác dụng trong thời gian bao lâu, 5 - 10 hay 20 năm? Đặc biệt, khi gắn với việc xây dựng các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi, giải trí, càng phải đặt trong bài toán phát triển đô thị dài hạn.
TS Lê Xuân Thuyên lưu ý đối với giải pháp đắp đê, vấn đề kỹ thuật và phương án dự phòng rủi ro phải được nâng cao vì khi có sự cố (hiện tượng thiên nhiên bất thường) dẫn tới vỡ đê, hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Cách đây 14 năm, dù suy yếu khi đổ bộ bang Louisiana (Mỹ), bão Katrina vẫn phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans và khu vực ngoại ô thành phố, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng. Tại Nhật Bản cũng diễn ra thảm họa vỡ đê tương tự năm 2011. “Ngay tại TP.HCM, lâu nay thỉnh thoảng ta nghe tin vỡ bờ bao ở Q.Thủ Đức, Q.12... khổ nhất mấy hộ nghèo trồng mai kiểng khóc ngất vì bị ngập. Nói vậy để thấy cần xem xét thật kỹ lưỡng tới các trường hợp cực đoan, khi mà trong tương lai, khả năng xảy ra các cơn bão nhiệt đới và cận nhiệt đới trong điều kiện nóng lên toàn cầu sẽ tăng cả về tần suất và cường độ. Cần có quy trình đánh giá sự xuống cấp/tuổi thọ công trình và điều kiện duy tu... vì những yếu tố này sẽ liên quan tới chu kỳ khai thác và hiệu quả sử dụng, quy mô càng lớn thì tính rủi ro sẽ càng cao, ngay cả do một lỗi nhỏ”, ông Thuyên lưu ý.
Bình luận (0)