Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên thủ ASEAN tiếp kiến Quốc vương Campuchia

Mai Hà
Mai Hà
10/11/2022 15:05 GMT+7

Sáng 10.11, lãnh đạo các nước ASEAN đã tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Phnôm Pênh.

Trên cương vị nước chủ nhà, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cảm ơn Quốc vương đã dành thời gian tiếp lãnh đạo các nước ASEAN.

Lãnh đạo các nước ASEAN đã tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

AKP

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh với chủ đề "Cùng ứng phó thách thức", Campuchia mong muốn củng cố tinh thần đoàn kết, chung tay nỗ lực của ASEAN trước các vấn đề đặt ra ở khu vực và toàn cầu. Đây cũng chính là tinh thần làm nên những dấu mốc thành tựu quan trọng của ASEAN trong 55 năm qua.

Quốc vương Campuchia vui mừng chào đón các nhà Lãnh đạo ASEAN tới dự Hội nghị Cấp cao ASEAN vào đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN. Nhìn lại chặng đường hơn 5 thập kỷ qua, Quốc vương nhấn mạnh sự chuyển mình mạnh mẽ của ASEAN để trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị và liên kết về kinh tế như ngày hôm nay. Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được khẳng định rõ nét thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đóng góp hiệu quả vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Quốc vương khẳng định Campuchia sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các nước giữ vững đà hợp tác của Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN cùng chung tay tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hiện nay.

Tại cuộc tiếp kiến, Quốc vương Campuchia dành sự chào đón nồng hậu đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính, cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Việt Nam đối với năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

NHẬT BẮC

Trên cơ sở quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Campuchia, tăng cường phối hợp giữa hai nước cùng đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Chiều nay, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tham dự phiên đối thoại với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Thanh niên và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41

Duy trì hợp tác, đưa ASEAN vượt qua thử thách

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2022 (ASEAN BIS) năm 2022 với chủ đề “Chung tay ứng phó với thách thức” sáng nay 10.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là dịp quan trọng để nhìn lại những thành tựu đạt được, xác định những khó khăn, thách thức và đưa ra phương hướng tiếp tục xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi nhanh và ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu trong một thế giới bất định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2022

DƯƠNG GIANG

Trải qua hơn 5 thập niên phát triển, ASEAN đã trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 650 triệu dân. Thành tựu này được xây dựng nhờ những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp lớn đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ…

Cùng với những cơ chế hợp tác hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, nổi bật là những tổ chức như Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC), các doanh nghiệp đã duy trì hợp tác chặt chẽ, cùng nhau đưa ASEAN vượt qua thử thách, trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

“Trong những năm qua, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN đã phát huy vai trò là diễn đàn lớn nhất của doanh nghiệp trong khu vực, đề ra và triển khai giải pháp đột phá, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng khẳng định.

Ông cũng đưa ra quan điểm, trong một thế giới luôn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngày nay, chúng ta nhận thức rõ rằng, để ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu cần phải có cách tiếp cận toàn cầu cùng những giải pháp toàn cầu, vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế.

Điều này cần có sự nỗ lực, đoàn kết, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như của các bạn bè, đối tác. Hơn 2 năm qua, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ ràng cho kết quả của sự chung tay, đoàn kết đó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2022

DƯƠNG GIANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ASEAN cần triển khai hiệu quả Khuôn khổ phục hồi toàn diện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 37 cũng như các sáng kiến khác mà ASEAN đã thông qua, tập trung vào 3 định hướng: Phục hồi, Số hóa, và Bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cần nắm chắc thời cơ, vận hội do Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại - Hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất hiện nay, bao phủ 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Qua đó thúc đẩy mở rộng liên kết thị trường, phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, hài hòa hóa các quy định về xuất xứ, thủ tục thuế quan, hải quan, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nêu bật những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam cam kết luôn tạo lập môi trường kinh doanh tốt ngất. Cụ thể, giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình…

“Tôi mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chung tay với chính phủ các nước ASEAN, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thích ứng với trạng thái bình thường mới, đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân và tạo ra giá trị mới cho xã hội và cộng đồng”, Thủ tướng nêu rõ.

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Thủ tướng Lào Phankham Viphvanh. Trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế - xã hội hai nước, nhằm củng cố quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng ổn định và bền vững, lãnh đạo hai Chính phủ nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, kết quả các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; góp phần phần giúp mỗi nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm một số tồn đọng trong năm nay và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng, sân bay Nỏng-khạng, các dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.