Thừa công chức, lãng phí trụ sở sau sáp nhập xã ở Nghệ An

Khánh Hoan
Khánh Hoan
22/04/2022 07:52 GMT+7

Sau hơn 2 năm sáp nhập xã, việc tinh giản bộ máy hành chính và xử lý các trụ sở, trường học, trạm xá dư thừa ở Nghệ An vẫn còn vướng nhiều khó khăn.

Rất ít người muốn nghỉ

Sau khi sáp nhập 3 xã thành 1 vào đầu năm 2019, xã Trung Phúc Cường (H.Nam Đàn, Nghệ An) có 56 cán bộ, công chức. Sau hơn 2 năm sắp xếp lại bộ máy, xã này hiện có 47 người đang hưởng lương từ ngân sách, giảm được 9 người so với thời điểm sau sáp nhập.

Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết ngoài một số người về hưu đúng tuổi, luân chuyển đến xã khác, xã đã vận động những người có nhu cầu về hưu trước tuổi, nhưng cũng rất khó khăn vì rất ít người muốn nghỉ.

Trụ sở xã Nam Cường (cũ) đang rất khang trang phải bỏ hoang và chưa biết sử dụng vào việc gì vì không phù hợp để chuyển thành khu dân cư

K.HOAN

Trong khi đó, theo Quyết định số 80 năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An về cơ cấu chức danh cấp xã, xã này đang dư 26 công chức. Để giải quyết tình trạng người nhiều việc ít, bớt lãng phí, xã đã biệt phái một số công chức đến các xã khác làm việc. Ông Toàn cũng cho hay, mục tiêu phải ổn định bộ máy vào năm 2025 là không hề dễ.

Xã Châu Nhân (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) được hình thành từ 2 xã sáp nhập lại. Thời điểm sáp nhập cách đây hơn 2 năm, xã này có 42 cán bộ, công chức. Đến nay, sau khi sử dụng nhiều biện pháp để tinh giản, xã vẫn còn 33 người, dư 14 người. Các vị trí công việc dư nhiều nhất là tư pháp (5 người), văn phòng (4 người), kế toán, địa chính và văn hóa mỗi bộ phận 3 người.

H.Nam Đàn có 8 xã được sáp nhập thành 2 xã và 1 thị trấn. Sau sáp nhập, 3 xã và thị trấn này có tới 163 cán bộ, công chức. Đến nay, huyện vẫn còn dư 52 công chức. Ông Nguyễn Như Khôi, Phó phòng Nội vụ H.Nam Đàn, cho biết theo Quyết định số 80 của UBND tỉnh Nghệ An, những xã không sáp nhập vẫn dư 2 - 3 công chức. Áp dụng quyết định này, H.Nam Đàn đang dư 73 công chức cấp xã.

“Huyện đã có đề án sắp xếp lại đội ngũ công chức, sử dụng nhiều phương án để cố gắng tinh giản mỗi năm 20 người. Tuy nhiên, việc sắp xếp này cũng rất nhạy cảm vì liên quan đến cuộc sống của công chức nên không thể làm bằng ý chí mà phải khéo léo, để không làm ảnh hưởng, tổn thương đến cuộc sống của những người phải tinh giảm”, ông Khôi nói.

Tại H.Hưng Nguyên, sau khi 10 xã được sáp nhập thành 5 xã, đến nay huyện còn dư 87 công chức. Huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 phải giải quyết xong số công chức dôi dư này bằng các hình thức luân chuyển từ xã thừa sang xã thiếu, khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, cho nghỉ việc nếu không đủ điều kiện... Ông Hoàng Nghĩa An, Trưởng phòng Nội vụ H.Hưng Nguyên, cho biết việc sắp xếp là không dễ nhưng huyện sẽ phải quyết liệt thực hiện để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, năm 2019, Nghệ An có 39 xã được sáp nhập còn 19 xã. Đến nay, tại 19 xã đã sáp nhập này còn dư 196 công chức.

Thừa trụ sở, thiếu nơi làm việc

Sau khi sáp nhập, xã Trung Phúc Cường (H.Nam Đàn) dư 2 trụ sở làm việc của 2 xã cũ, 2 trường học, 2 trạm y tế và 19 nhà văn hóa xóm. Nghịch lý đang diễn ra ở xã này khi 2 trụ sở xã còn rất khang trang phải bỏ không, nhưng trụ sở xã hiện tại lại không đủ phòng để làm việc, phải tận dụng cả nhà văn hóa để làm việc. Xã này đang đề nghị quy hoạch xây dựng trụ sở mới ở vị trí thích hợp vì vị trí hiện tại không phù hợp và diện tích không đủ để xây dựng mới.

Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết phương án xử lý các trụ sở dư thừa này vẫn chưa có, đang chờ quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Chính quyền xã đã đề nghị cho đấu giá đất 2 trường học và 1 trụ sở xã, những trụ sở còn lại chưa biết xử lý ra sao vì nếu đấu giá sẽ không thành vì không phù hợp để quy hoạch khu dân cư.

Sau sáp nhập xã, Trạm y tế xã Nam Cường (cũ) vừa được xây dựng trước đó với kinh phí 4,2 tỉ đồng hiện cũng bỏ không, chưa biết sử dụng vào việc gì. Trong khi đó, các các nhà văn hóa xóm được sử dụng sau sáp nhập lại quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu, vì xóm mới số dân đã tăng lên 3 - 4 lần. Số dân cư xóm mới tăng lên 3 - 4 lần, lượng công việc tăng lên tương tự, nhưng chế độ phụ cấp cho xóm trưởng vẫn không thay đổi khiến một số xóm trưởng đang muốn thôi việc.

“Đây là một bất cập sau sáp nhập xóm, không riêng gì ở xã chúng tôi. Nếu không có cơ chế đặc thù cho những xóm trưởng này, sẽ rất khó tìm được người làm, chúng tôi đã đề xuất nhưng vẫn chưa có thay đổi gì”, ông Toàn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.