Thúc đẩy hợp tác quốc tế và giải quyết thách thức trong quản lý ô nhiễm biển

01/12/2021 10:42 GMT+7

Học viện Ngoại giao ngày 30.11 đã phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức tọa đàm Việt Nam - Pháp về quản lý ô nhiễm biển.

Thách thức lớn trong giải quyết rác thải trên biển

Tại tọa đàm, các chuyên gia Pháp và Việt Nam đều cho rằng ô nhiễm biển, trong đó vấn đề rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn đối với hai nước.

Các chuyên gia và học giả tham gia tọa đàm

đậu tiến đạt

Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhấn mạnh hiện nay biến đổi khí hậu và ô nhiễm biển được xem là mối đe dọa an ninh phi truyền thống, có thể tác động tới an ninh biển nói chung và trong việc thực hiện các chiến dịch quân sự nói riêng.

​​Các chuyên gia và học giả tại tọa đàm cho biết, 60 - 90% rác thải biển trên toàn cầu là nhựa và 80% đến từ đất liền. Các thách thức chính đối với môi trường biển là sự gia tăng nhanh chóng của nhựa sử dụng một lần và tìm kiếm giải pháp thay thế cho vật liệu này, cùng việc quản lý chất thải kém hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu.

TS Nguyễn Ngọc Sơn nêu 4 thách thức chính mà Việt Nam đang gặp phải trong công tác bảo vệ môi trường biển

đậu tiến đạt

Phó cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN-MT, TS Nguyễn Ngọc Sơn nêu 4 thách thức chính mà Việt Nam đang gặp phải trong công tác bảo vệ môi trường biển, gồm: rác thải nhựa đại dương, tràn dầu, thiếu năng lực kiểm soát chất thải đổ ra đại dương và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cụ thể, về vấn đề rác thải nhựa đại dương, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 4 trong danh sách những nước làm phát sinh ô nhiễm nhựa biển trên toàn thế giới. Đồng thời, chúng ta chưa có các quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, phương pháp điều tra và thống kê rác thải nhựa đại dương.

Việt Nam tuy đã khởi xướng các hoạt động thúc đẩy việc tái chế nhựa nhưng theo TS Vũ Hải Đăng, Đại học Quốc gia Singapore, túi ni lông quá rẻ nên được sử dụng phổ biến, vận chuyển rác thải nhựa không hiệu quả và không có hệ thống phân loại rác thải. Những yếu tố này là những thách thức còn tồn đọng trong việc hạn chế rác thải nhựa ra biển.

TS Đăng cho biết cơ chế xử phạt thiếu nghiêm ngặt cũng góp thêm phần khó khăn trong công tác bảo vệ và hạn chế nguồn rác thải ra biển.

Hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển

Các chuyên gia và học giả đã đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục vấn đề ô nhiễm biển.

Khắc phục ô nhiễm biển không còn là vấn đề của một quốc gia

đậu tiến đạt

Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn cho biết, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển. Việt Nam cũng phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.

Bà Fanny Quertamp, đến từ Dự án “Rethinking Plastics” tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp như điều chỉnh các quy định để thích ứng tốt hơn với các yêu cầu của nước ngoài và kiểm soát chất thải của tàu; áp dụng hệ thống chi phí phục hồi đối với thu gom và xử lý chất thải, phân phối chất thải đơn giản và minh bạch hơn, tiêu chuẩn hóa quy trình xử lý chất thải trên tàu, nâng cao năng lực theo Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (MARPOL) & thông báo về chất thải.

Phó cục trưởng Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần vận dụng Nghị quyết 36- NQ/TW về bảo vệ môi trường bao gồm kết hợp bảo vệ hàng hải với mục tiêu cắt giảm chất thải nhựa, thích ứng với biến đổi khí hậu; cùng 4 công cụ pháp lý, kinh tế, kỹ thuật và giáo dục.

Tại tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ về những triển vọng và đề xuất thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ môi trường biển nói chung và tại Biển Đông nói riêng như tăng cường hoạt động, chia sẻ thông tin, nghiên cứu về các hệ sinh thái ở Biển Đông, về tài nguyên, cảnh quan biển, đa dạng sinh học biển; thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường biển; nâng cao năng lực, tập huấn đào tạo cán bộ, chuyên gia.

Đại tá Nguyễn Đăng Hội, Viện Sinh thái nhiệt đới, Bộ Quốc phòng, cho biết Việt Nam chỉ mới thực hiện nghiên cứu môi trường ở 1/4 các vùng biển.

Ông Hội cũng đánh giá hợp tác trong nước giữa hải quân, Bộ TN-MT và các tổ chức tham vấn đã đầy đủ, nhưng hợp tác quốc tế còn hạn chế, do đó việc hợp tác với quốc gia có kinh nghiệm nghiên cứu đại dương nhiệt đới như Pháp là quan trọng và Việt Nam nên thúc đẩy triển vọng hợp tác với Pháp trong môi trường biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.