Kim ngạch xuất khẩu dừa là bao nhiêu?
Dừa là một trong 6 loại cây trồng thuộc "Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030". Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000 ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 - 175.000 ha. Đồng thời, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu (XK) dừa năm 2010 chỉ có 180 triệu USD. Những năm qua, ngành dừa phát triển mạnh mẽ và đạt kim ngạch hơn 900 triệu USD vào năm 2023, kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024.
Tuy nhiên, xung quanh những con số nói trên cũng còn nghi vấn. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho hay gần đây ông thấy thông tin nhiều nơi nói dừa là cây trồng, sản phẩm tỉ USD nhưng theo báo cáo của hải quan thì XK dừa tươi cả nước năm 2024 mới chỉ đạt khoảng 350 triệu USD. Còn riêng với Bến Tre, nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất VN thì số lượng của Sở Công thương cung cấp ước chỉ mới đạt 30 triệu USD. "Sự chênh lệch số liệu này là điều cần được làm rõ. Vì chỉ khi có cơ sở dữ liệu chính xác chúng ta mới có chiến lược phát triển đúng đắn về lâu dài", ông Tuấn nói.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, lý giải: "Ngành dừa được gọi là ngành hàng tỉ USD vì ngoài kim ngạch XK dừa tươi 350 triệu USD thì chúng ta còn có một phần kim ngạch rất lớn từ dừa khô chế biến. Bên cạnh đó là các sản phẩm chế biến XK có thành phần là nguyên liệu dừa".
Doanh nghiệp có thiếu nguyên liệu?
Một vấn đề khác có nhiều ý kiến trái chiều là nguyên liệu dừa có thực sự thiếu hay không. Theo đại diện Hiệp hội Dừa VN, bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Ngành công nghiệp chế biến dừa VN đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ khiến họ phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10 - 15%.
"Trong những năm gần đây, VN XK nguyên liệu dừa khô với thuế suất 0%, nên nhiều DN đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Đây là nguyên nhân gây thiếu nguyên liệu để DN VN chế biến và phải nhập khẩu từ Indonesia. Có DN phải nhập khẩu hàng trăm tấn mỗi tháng", bà Thanh cho hay và nói thêm từ ngày 1.1.2025, Indonesia sẽ áp dụng thuế XK dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước. Như vậy, nguyên liệu dừa khô phục vụ XK cho DN Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng. "Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc", bà Thanh cảnh báo.
Không đồng tình, ông Trần Anh Tuấn nói khoảng chục năm trước, khi giá dừa tăng cao, các DN kêu ca về tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến XK. Thời điểm đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, VN đã áp thuế XK. Kết quả là giá dừa nội địa rớt thê thảm, chỉ còn 300 - 500 đồng/trái. Trong khi đó, dừa là cây lâu năm, việc chuyển đổi hay đầu tư phát triển gặp rất nhiều khó khăn; đời sống nông dân trồng dừa bị ảnh hưởng kéo dài. "Chỉ khoảng 1 năm nay, giá dừa tương đối tốt và thu nhập người trồng dừa mới khởi sắc. Nếu lại đánh thuế có thể sẽ xảy ra tác dụng ngược", ông Tuấn cảnh báo.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, nói câu chuyện thiếu dừa nguyên liệu để chế biến XK "hơn một chục năm qua, DN lúc nào cũng kêu". "Tôi cũng đã nói ở các hội nghị và ngay tại hội nghị này cũng xin nhắc lại DN nào thiếu nguyên liệu cứ đến Sở NN-PTNT tìm tôi. Tôi sẽ giới thiệu vùng nguyên liệu cho các DN hợp tác để khai thác vùng nguyên liệu theo hợp đồng rõ ràng. Những số liệu về diện tích dừa ở Bến Tre cho thấy dư địa phát triển của ngành dừa còn rất lớn. Nếu áp thuế XK thì khả năng giá dừa sẽ giảm và DN được hưởng lợi nhưng sẽ thiệt hại cho bà con nông dân. Lợi ích của DN và người nông dân phải được hài hòa", ông Đức thẳng thắn.
Mặt khác, ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho hay so với Bến Tre, diện tích trồng dừa của Trà Vinh chỉ bằng 1/6 với khoảng 20.000 ha. Tỉnh tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng. Hiện được cấp 20 mã số vùng trồng, trong đó có 10 mã đã đủ điều kiện XK sang Trung Quốc. Ông bày tỏ mong muốn DN XK và các chuỗi liên kết tiếp tục mở rộng hơn nữa diện tích trồng dừa tại Trà Vinh.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), nêu quan điểm: Khi các hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất XK dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân. Về phía DN, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại. "Đã đến lúc chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá", ông Hòa nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng chất lượng XK mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ VN, gây thiệt hại lớn cho nông dân và DN chân chính.
Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group
Bình luận (0)