Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry, nhóm nghiên cứu ở Anh phân tích dữ liệu về giấc ngủ của 85.000 người trong ngân hàng dữ liệu UK Biobank Study (Anh).
Những người tham gia nghiên cứu đeo thiết bị theo dõi hoạt động trong ngày lẫn giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu thời gian ngủ và khảo sát về tâm trạng của những người tham gia nghiên cứu. Họ phát hiện người có chu kỳ giấc ngủ bị lệch thì nguy cơ bị trầm cảm, ít cảm thấy hạnh phúc và lo lắng cao hơn so với người dậy sớm.
Trả lời phỏng vấn đài CNN, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Jessica Tyrrell tại Đại học Y Exeter (Anh) lưu ý: "Làm sai lệch đồng hồ sinh học có liên quan nhiều đến mức độ trầm cảm. Sự sai lệch càng cao thì tỷ lệ trầm cảm cao hơn”.
"Nếu bạn là người dậy sớm thì sẽ ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn và sức khỏe tổng thể tốt hơn", tiến sĩ Tyrrell nói.
Đánh giá về nghiên cứu này, chuyên gia về giấc ngủ Kristen Knutson tại Trường ĐH Y Feinberg (Mỹ) cho biết: "Những người được mệnh danh là cú đêm (thức khuya, dậy muộn), hay còn gọi là 'lệch múi giờ xã hội' dễ dẫn đến sự gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ bị trầm cảm".
Các nghiên cứu trước đây, bao gồm của chuyên gia Knutson, cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa việc thức khuya và nguy cơ bị trầm cảm.
Tuy nhiên, "phát hiện mới và quan trọng" trong nghiên cứu của tiến sĩ Tyrrell là người dậy sớm ít có nguy cơ dẫn đến tình trạng thời gian ngủ bất thường so với “cú đêm”, chuyên gia Knutson nhận xét.
Bình luận (0)