Câu hỏi: "Bạn có ổn không?" đặt ra trong bối cảnh những người đang làm việc bỗng chốc mất việc, những kế hoạch sắp triển khai phải hoãn lại, những chuyến đi bị hủy vào phút chót, cả những người bỗng dưng mất đi người thân do đại dịch... Điều này khiến nhiều người trở nên lo lắng, bất an.
Hôm rồi, nhận tin nhắn từ một người bạn bặt tin đã lâu, tôi hỏi: “Bạn vẫn ổn chứ?” và bất ngờ khi bạn kể về một tai nạn trước đó chưa lâu tưởng chừng đã cuốn bạn ra khỏi thế giới này. Nếu bạn không chủ động nhắn tin, có lẽ tôi chẳng thể nào biết được bạn vừa được hồi sinh, và biết đâu có khi tôi chẳng còn gặp lại bạn nữa.
Chợt nhớ đã lâu tôi không trò chuyện với ba mẹ đang ở xa, bận rộn luôn là lý do tôi vin vào để biện minh cho sự trễ nải của mình. Tôi cho rằng người thân thì khách sáo làm gì. Thế nhưng, từ khi nghe chuyện của bạn, tôi tự nhủ phải thường xuyên thăm hỏi ba mẹ nhiều hơn, để biết căn bệnh đau khớp có còn hành hạ ba khitrái gió trở trời, hay chứng đau bao tử có còn làm khó mẹ... Sợ lắm một ngày, khi muốn hỏi một câu quen thuộc “Ba mẹ có ổn không?” cũng chẳng còn ai trả lời...
Có những khi, tôi bắt gặp trên Facebook những dòng tâm trạng không lời, chỉ một màu đen kịt, mới biết họ vừa trải qua biến cố đau buồn, mà tôi thì vô tình đến độ không hỏi được một câu trước đó, rằng “Bạn có ổn không?”. Không bao giờ là thừa khi bạn bày tỏ sự quan tâm đến những người thân quanh mình. Đừng đợi quá cô đơn mới cần đến một người bạn, đừng đợi ai đó đau ốm mới gửi lời hỏi han. Cuộc sống vốn hữu hạn, lại quá đỗi mong manh, chẳng thể biết được khi nào ta cũng cần được chia sẻ.
“Bạn có ổn không?”, chỉ mới đây thôi, tôi đã nghĩ khác đi về câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy.
Bình luận (0)