Thưởng thức & chia sẻ: Chọn buồn phiền hay chọn bình yên?

25/02/2023 07:28 GMT+7

Đứa cháu trai trở về nhà trong cơn say chếnh choáng, buông gọn câu hôm nay người cũ đi lấy chồng. Đêm thành phố mưa giăng ì đùng. Đứa cháu trai cặp mắt đỏ hoe.

Vậy đi cho bình yên, chứ yêu nhau mà giông bão quá chừng. Nói nhẹ tênh nhưng lòng đứa cháu trai nặng trĩu. Mưa vẫn gõ nhịp đều trên mái tôn. Phòng đứa cháu trai vẫn sáng đèn. Kỳ thực có bình yên nào mà không xót xa?...

Nỗi buồn của người trẻ ập đến chóng vánh, nhưng khắc họa rõ nét một giai đoạn xuân thì đời người. Đôi khi mãi sau này, con người ta luôn cười an lành và cảm ơn chính nỗi buồn thanh tân ấy. Bởi chính những vụng dại, ngây ngô đầu đời này là mớ hành trang để vững tiến hơn nữa, cho những bước chân thong dong đi về những miền xa thẳm, những mùa xanh thắm, và những ngày trăm năm.

Thưởng thức & chia sẻ: Chọn buồn phiền hay chọn bình yên? - Ảnh 1.

Người trẻ đối diện với nhiều áp lực cuộc sống

C.T.V

Muộn phiền nào rồi cũng sẽ qua, nhất là những muộn phiền thời trẻ dại, bởi nó cũng chỉ là những gam màu chợt tối trước sự ngọt ngào của quãng thiếu thời ngập tràn hoài vọng. Bình yên rồi cũng sẽ đến, sau những bão giông, sau những dâu bể trần ai, bởi chẳng thể buồn hoài vì mỗi sớm mai luôn là những ngày dài với nhiều điều đón đợi.

Cũng có lần vì một thất bại trong công việc, cô cháu gái cử nhân vừa ra trường về nhà nét mặt buồn rười rượi, bỏ luôn cả cữ cơm chiều. Cô cháu gái mang nhiều khát vọng, nhiệt huyết và sự mộng tưởng cho đam mê cống hiến. Thế nhưng dội vào cô là sự từ chối thẳng thừng những đề xuất đổi mới trong công việc. Lề lối cũ đâu thể một sớm một chiều có thể thay đổi chỉ bằng lý lẽ mới mẽ của đám trẻ con mới ra trường. Cô cháu cứ ngơ ngác tận cả tuần sau và bắt đầu tìm kiếm một công việc mới. Nỗi buồn cứ thế day dứt len vào tận mâm cơm bên gia đình.

Tuổi trẻ có quyền buồn, có quyền dày vò chính mình trong những nỗi buồn đôi mươi. Nhưng, tin chắc là khi ở ngưỡng tuổi 30, nỗi buồn lại hóa nụ cười, cười cho chính sự ngây vụng thuở ấy. Chỉ khi đi qua muộn phiền, người ta ngồi lại chiêm nghiệm lấy nó, mới hay cái bình yên thật ra chẳng đâu xa. Chỉ cần biết nắm, biết buông, biết bước qua lằn ranh mỏng manh mà thôi.

Người trẻ đối diện với nhiều áp lực cuộc sống, nhất là thời đại công nghệ số hóa, mọi thứ diễn ra một cách nhanh chóng và lan rộng. Nỗi buồn của người trẻ vì thế được chia sẻ ngay trên chính trang mạng cá nhân một cách công khai, vội vã và đầy những câu chữ nặng nề tăm tối. Không gian mạng vốn dĩ là cõi ảo, nhưng nỗi buồn thì rất thật. Sự lan tỏa đi một thông điệp từ cõi mạng bây giờ cũng bỗng chốc rầm rộ và nhận về vô số lời ta thán của người trẻ. Nhưng, ngay từ trong chính những dòng bình luận đó bao nhiêu là năng lượng tích cực để vực dậy chúng ta? Cái phần trăm đó rất ít. Bao nhiêu là sự góp ý, định hướng hoặc chỉ dẫn để người trẻ đi qua nỗi buồn một cách tích cực và biết đứng lên từ những vấp ngã đầu đời đấy? Tin chắc cũng sẽ rất ít.

Nỗi buồn vốn dĩ chẳng tự đến cũng chẳng tự đi. Tất cả cũng như một phép thử để người trẻ thời đại học được bài học quý giá cho sự thành công tương lai và hạnh phúc mai sau. Trên quãng đường đi tìm hai thứ quý giá đó của người trẻ, chắc chắn không chỉ một lần buồn mà nhiều hơn với phép tính cấp số nhân hàng chục hàng trăm. Nhưng nếu biết nặng hay nhẹ cũng chỉ là từ phía lòng mình, thì muộn phiền nào cũng chỉ là một thời khắc rồi sẽ qua. Tựa như mây bay, gió thổi.

Mây bay, gió thổi, nỗi buồn cũng đi, chỉ có bình yên là ở lại. Mãi mãi! Vậy chúng ta chọn buồn phiền hay là bình yên?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.