Tiếc thương NSƯT Thanh Kim Huệ

Hoàng Kim
Hoàng Kim
24/12/2021 06:08 GMT+7

NSƯT Thanh Kim Huệ đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 23.12.2021 mang theo bao nỗi tiếc thương của người mộ điệu. Một nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” với nhiều vai diễn kinh điển mà có lẽ không ai có thể vượt qua.

Những dấu ấn để đời

Mỗi nghệ sĩ đều có tác phẩm ấn tượng, vai diễn để đời của mình. NSƯT Thanh Kim Huệ cũng thế. Bà cùng thời với các nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Ngọc Giàu… mà báo chí và khán giả mệnh danh là “thế hệ vàng” của cải lương, dù bà là người trẻ nhất trong số đó.

NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm trong vở Lan và Điệp

H.K

Và nhắc đến bà là nhớ ngay tiểu thư Thủy Cúc (Đường gươm Nguyên Bá), Lan (Lan và Điệp), Thị Hến (Ngao Sò Ốc Hến), Ai Thi Lệ (Hai chiều ly biệt), Tiêu Kim Yến (Người tình trên chiến trận)… Đặc biệt, những bài vọng cổ với giọng ca ngọt lịm của bà đã trở thành những tác phẩm tuyệt đẹp, như Đám cưới trên đường quê, Rước tình về với quê hương, Cô gái tưới đậu, Dệt chặng đường xuân, Tiếng chày trên sóc Bombo, Chợ Mới…

Nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ qua đời sau thời gian bị ung thư

Thú vị nhất là hàng loạt bài lý nhờ giọng ca trong veo của Thanh Kim Huệ mà phổ biến rộng khắp khi nó vừa mới ra đời. Lý con sáo, Lý Mỹ Hưng, Lý lu là, Lý tình tang, Lý Cái Mơn, Lý trăng soi… một thời vang vang trên đài phát thanh mê mẩn lòng người. Sau năm 1975, có thể nói người ta bị hút hồn bởi những bài lý mới mẻ này qua giọng ca Thanh Kim Huệ. Bà có công lớn khi góp phần phổ biến âm nhạc truyền thống cho giới trẻ, bởi những điệu lý dễ hát, dễ thuộc, là cây cầu nối đầu tiên đưa lớp trẻ làm quen với âm nhạc truyền thống.

“Giữ chồng bằng công dung ngôn hạnh”

Với riêng tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày cách đây hơn 20 năm, khi tôi bước chân vào lĩnh vực viết văn hóa nghệ thuật, tôi đã gặp Thanh Kim Huệ tại ngôi nhà của vợ chồng bà ở TP.HCM, trong giai đoạn khó khăn của họ. Đoàn Sài Gòn 1 sau thời gian lừng lẫy thì rơi vào khủng hoảng chung của cải lương, Thanh Điền nghĩ ra cách chụp hình chân dung trong studio, và ông đã cùng vợ thực hiện ngay để cầm cự với nghề sân khấu. Người mẫu đầu tiên của ông là… vợ. Sau đó, nghệ sĩ đến chụp rất đông, bà trở thành cánh tay đắc lực của chồng. Nhưng trong khi bà cun cút ở nhà lo làm nghề, lo chăm sóc con cái, thì ông vẫn giữ thói quen đi đánh tennis, đánh cầu mỗi ngày như thời phong lưu thuở trước. Ông nói, không tập thể dục thể thao thì người không khỏe, không đẹp. Nghệ sĩ phải khỏe và đẹp.

NSƯT Thanh Kim Huệ sinh năm 1955, 13 tuổi đã bước lên sân khấu, 16 tuổi gia nhập đại bang Kim Chung, rồi nổi lên như một ngôi sao bên cạnh những ngôi sao như Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Minh Phụng, Thanh Sang… Bà mất vào ngày 23.12.2021 tại TP.HCM do bệnh ung thư, thọ 66 tuổi.

Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 26.12, an táng tại nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.

Thế là tôi đã nhìn thấy một Thanh Điền cao ráo, trắng trẻo trong bộ đồ thể thao toàn trắng, vác cây vợt trên vai, đẹp đến mức có thể rụng tim giới nữ. Tôi lúc ấy bỗng bàng hoàng, rồi buột miệng hỏi bà một câu như chị em thân tình: “Chị ơi, anh Điền đẹp quá, em lo quá. Chị có ghen không chị?”. Thanh Kim Huệ cười: “Ghen rồi có giữ nổi không? Mình cũng không thể ghen theo kiểu chợ búa. Chỉ ráng giữ chồng bằng công dung ngôn hạnh thôi em”. Và bà đã làm được điều đó. Ngày càng thấy Thanh Điền thương vợ, đi đâu cũng dắt bà theo, nói chuyện một hồi đã nhắc vợ… ánh sáng hạnh phúc ngời ngời trên mặt. Những thăng trầm, sướng khổ hai người đều nếm trải, nên càng thấm câu “tình tấm mẳn”.

Tiếc thay, bà ra đi quá sớm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.