Tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19: những thắc mắc thường gặp
Trước mối lo ngại về Omicron , nhiều quốc gia trên thế giới đang khẩn trương triển khai chương trình tiêm vắc xin tăng cường trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể. Sau đây là những thắc mắc thường gặp về việc tiêm vắc xin tăng cường.
Tự động phát
Tiêm vắc xin tăng cường rồi có nhiễm Covid-19 không?
Có, nhưng khả năng xảy ra ít hơn. Liều tăng cường sẽ giảm nguy cơ bị bệnh nặng khi nhiễm virus, cũng như mang lại sự bảo vệ lâu dài hơn.
Tiêm bao lâu thì có hiệu quả?
Các nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ rất cao từ 1-2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 3. Một thử nghiệm gần đây của Pfizer cho thấy rằng từ 7 ngày trở đi, liều vắc xin tăng cường cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh từ Covid-19. Một nghiên cứu thực tế của Anh cũng trên vắc xin Pfizer cũng chỉ ra rằng từ 2 tuần sau khi tiêm nhắc lại, vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ ở mức độ cao.
Chương trình tiêm vắc xin Covid-19 ở Martinsburg, Tây Virginia, Mỹ |
reuters |
Tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin tăng cường?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm mũi 3 là sốt, nhức đầu, mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, hầu hết các biểu hiện này đều nhẹ hoặc trung bình. Một số người còn gặp các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau cơ và khớp.
Ngoài ra, CDC cho biết có một tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm mũi 3 là nổi hạch dưới nách, theo CNN. Nổi hạch là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng lớp bảo vệ chống lại Covid-19. Vì vậy, không cần lo lắng khi gặp tình trạng này sau tiêm.
Tiêm liều tăng cường có gây tình trạng viêm cơ tiêm không?
Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim là những tác dụng phụ rất hiếm gặp của các loại vắc xin Pfizer và Moderna. Bằng chứng từ Israel cho thấy các tình trạng này ít xuất hiện hơn sau khi tiêm mũi tăng cường so với 2 mũi đầu tiên.
Có thể tiêm vắc xin tăng cường khi có các triệu chứng Covid-19 không?
Nếu đang có các biểu hiện của Covid-19, bạn không nên tiêm vắc xin nhắc lại. Trong trường hợp này, hãy xét nghiệm và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả. Nếu có kết quả dương tính, bạn cần đợi 28 ngày kể từ ngày xét nghiệm để tiêm nhắc lại. Nếu có kết quả âm tính và cảm thấy đủ khỏe, bạn có thể đi tiêm vắc xin tăng cường. Trong trường hợp có những triệu chứng như bị ho hoặc cảm lạnh, bạn có thể cân nhắc hoãn tiêm để tránh lây bệnh cho người khác.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Michigan, Mỹ |
reuters |
Liều tăng cường có khả năng chống lại Omicron không?
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy vắc xin tăng cường cung cấp khả năng bảo vệ chống lại Omicron so với 2 liều vắc xin. Nghiên cứu của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UHSA) cho thấy mũi thứ 3 có hiệu quả 70-75% trong việc ngăn ngừa mắc bệnh do nhiễm Omicron trong thời gian đầu sau khi tiêm chủng.
Liều tăng cường có chống lại Delta không?
Nhiều nghiên cứu cho thấy mũi thứ 3 giúp tăng cường bảo vệ trước Delta và các biến thể Covid-19 trước đó. Nghiên cứu của UHSA cho thấy mũi thứ 3 tăng mức độ bảo vệ lên đến 93-94%.
Đã tiêm 2 mũi AstraZeneca có thể tiêm liều tăng cường của Pfizer hoặc Moderna không?
Ngay cả khi được tiêm AstraZeneca cho 2 mũi đầu tiên, bạn nên tiêm vắc xin khác như Pfizer hoặc Moderna cho liều tăng cường. Nhiều nghiên cứu cho thấy những loại vắc xin mRNA hoạt động tốt nhất với vai trò mũi tiêm tăng cường, ngay cả khi bạn tiêm loại vắc xin khác trước đó. Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng Anh đã xem xét dữ liệu trước khi đưa ra khuyến nghị này.
Hiệu quả của vắc xin tăng cường?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mũi tiêm tăng cường làm tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh do Covid-19 đáng kể.
Theo UHSA, vắc xin tăng cường tăng mức độ bảo vệ lên 93,1% đối với những người đã được tiêm 2 mũi AstraZeneca trước đó, và 94% đối với Pfizer.
Trong thử nghiệm của Cov-Boost được công bố trên Lancet, tất cả các loại vắc xin tăng cường đều cải thiện khả năng miễn dịch chống lại Covid-19 nhờ gia tăng kháng thể nhắm vào virus.
Ngoài ra, mũi thứ 3 còn gia tăng tế bào T, một loại tế bào bạch cầu có liên quan đến việc chống lại nhiễm virus. Tuy nhiên, mũi tăng cường AstraZeneca sẽ không giúp tăng tế bào T ở những người đã được tiêm vắc xin này cho 2 liều trước đó.
Bình luận (0)