Tiền đạo cũng cần chất thép
19 giờ 45 ngày 6.6.2020 , trong chương trình trực tuyến trên Thanhnien Online về trận đấu được chờ đợi giữa Hà Nội FC và Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 3 V.League 2020, huấn luyện viên Lưu Ngọc Hùng đã nhận định: "Cái yếu và thiếu của Hoàng Anh Gia Lai như đã phân tích ở trận gặp Nam Định tại Cúp quốc gia vừa qua đó là hàng tiền vệ kỹ thuật nhưng thiếu sức mạnh, thiếu một người tranh chấp, dọn dẹp và thu hồi. Không thể có chất thép nơi tuyến giữa dẫn đến không thể có khả năng đối chọi".
Đọc nhận định trên, tôi lại liên tưởng đến lối chơi mà ban huấn luyện đội Cảng Sài Gòn "áp" cho tiền đạo Nguyễn Văn Thòn cách đây gần 40 năm sau khi giải vô địch quốc gia lần đầu tổ chức vào năm 1980. Dạo đó, hàng tiền đạo Cảng Sài Gòn thường có mặt Tư Lê, Trần Văn Xinh nhưng cũng có khi đội bóng áo trắng lại "cất" hai danh thủ này mà thay bằng "Thòn xe tăng" với thể hình cao to, thi đấu quyết liệt trên sân.
Đội Cảng Sài Gòn ngay từ đầu đã chú trọng xây dựng lối đá kỹ thuật, cầu thủ được đào tạo để thi đấu ăn ý với bóng ngắn, thi đấu hòa nhã, lịch thiệp để thu hút người xem. Tuy nhiên khi đối đầu với những đội bóng thiên về thể lực, thậm chí đá xấu thì lối đá đó có gặp trở ngại. Việc bổ sung Nguyễn Văn Thòn vào vị trí tiền đạo cắm đã làm cho Cảng Sài Gòn thêm "chất thép" để bổ sung tính hiệu quả cho lối chơi đẹp sẵn có.
|
Trung vệ Lê Đình Thăng cho rằng: "Anh Thòn đã hy sinh cho toàn đội rất nhiều. Có anh thi đấu, nhất là đối với những trận hàng phòng ngự đối thủ chú trọng đá rát, chúng tôi thường dễ đá hơn do anh Thòn "can thiệp" rất tích cực để có bóng dồn cho các mũi nhọn Đặng Trần Chỉnh, Phan Hữu Phát, Hồ Thủy… phối hợp ghi bàn".
Tiền vệ Nguyễn Thanh Tùng (Tùng móm) nhìn nhận: "Anh Thòn là một cầu thủ luôn thi đấu với một tinh thần lăn xã, càn lướt như "xe tăng" ủi phăng tất cả những gì cản trở mình. Với thể hình đẹp và sức chịu đựng cao, anh tì đè tốt và sẵn sàng chịu đau đớn trước truy cản gắt gao của đối thủ". Tiền đạo Phan Hữu Phát còn nói thêm: "Trong trận Cảng Sài Gòn gặp CLB Quân đội trên sân Long An trong mùa 1982-1983, không chỉ "làm bóng" cho anh em, anh Thòn cùng với Hồ Thủy đã phối hợp rất tốt để ghi cả 3 bàn thắng cho đội Cảng Sài Gòn".
|
Tuy vậy, cũng không ít người xem ban đầu có ngỡ ngàng vì trong đội bóng mình yêu thích lại có mẫu tiền đạo quá mạnh mẽ như anh Thòn nên đã cùng tham gia đặt cho anh đến 4 biệt danh như: xe tăng, thiết giáp, người gỗ, cái lưng vàng.
Ba biệt danh đầu nhiều người đã biết vì có ý nghĩa gần giống nhau diễn tả một phần tính cách của ông Thòn khi thi đấu: quyết liệt, mạnh mẽ, khô cứng, càn lướt… Ông chỉ kể về biệt danh thứ tư đến từ một kỷ niệm vui như sau: "Cách đây 36 năm, trong lượt về vòng bảng giải vô địch quốc gia 1984 mà đội Cảng Sài Gòn thắng đội Dệt Nam Định 4-2, có một bàn thắng do tôi ghi được. Lúc đó, luật bóng đá còn cho tiền đạo được quyền nhảy tranh chấp với thủ môn khi phát bóng trong vùng cấm địa. Khi thủ môn Dệt Nam Định vừa phát bóng lên, tình cờ tôi quay lưng lại thì bóng trúng lưng tôi dội vào lưới và đội Cảng Sài Gòn được công nhận bàn thắng do… lưng của tôi. Chính vì vậy tôi có thêm biệt danh thứ tư là "Cái lưng vàng".
Học từ danh thủ Võ Thành Sơn
Nguyễn Văn Thòn sinh năm 1957 tại Nhà Bè và mê đá bóng từ nhỏ. Thời đó cứ đến mỗi buổi chiều, Thòn thường đá bóng trên các sân ruộng của vùng Tân Quy thuộc huyện Nhà Bè (nay là quận 7, TP.HCM). Cứ mặc quần đùi, không có áo hoặc áo không hề có số, cắm 2 cọc làm khung thành rồi chia phe thi đấu là có trận bóng vui hết biết.
Không được đào tạo đá bóng bài bản nhưng với chiều cao khá tốt so với các bạn cùng trang lứa, lúc 15 tuổi ông Thòn đã có niềm tin rằng mình có thể đá bóng tốt hơn nếu biết chịu khó rèn luyện và tìm cách học hỏi. Khi bắt đầu đá có nét đôi chút, ông được đưa về tập luyện và thi đấu cho đội Thanh niên Cảng Sài Gòn rồi dần dần lên được đội 1 của đội.
|
Ông Thòn kể lại: "Có người hỏi tôi chọn cầu thủ nào để làm thần tượng cho mình. Tôi nói thật: trước năm 1975, tôi chỉ biết chọn thần tượng bóng đá của mình trong những cầu thủ Việt Nam mà tôi được biết và có hy vọng tiếp cận được trên đất Sài Gòn để học hỏi. Cầu thủ đó là danh thủ Võ Thành Sơn".
Từ đó, ông Thòn tập trung "nghiên cứu" những cú đá mang thương hiệu của ông Sơn như gài người, xử lý bóng khéo léo, ngã bàn đèn, hứng ngực rồi vô lê… Trong căn nhà của ông ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào một buổi chiều đầu tháng 6.2020, ông Thòn cười vui với tôi: "Tôi thử tập và nhờ người tập cho các "ngón" đó, nhưng với cái thân hình khá cứng, đành bỏ cuộc vì chẳng có miếng kỹ thuật nào được "lận lưng".
|
Tôi chỉ tập trung học cú "chớp chân trái, chuyền qua chân phải rồi sút bóng" mà thần tượng của mình hay làm. May sao, nhờ kiên trì rèn luyện và kỹ năng được tích lũy qua thực tế thi đấu, tôi cũng có nhiều pha ghi bàn bất ngờ. Cộng thêm cú đội đầu nhờ chiều cao 1m74 và lối đá không ngại va chạm, ban huấn luyện đội Cảng Sài Gòn cũng hay cho tôi vào sân".
Dần dần lối đá tích cực của ông Thòn được người hâm mộ yêu thích, mỗi lần ông thay Tư Lê hay Trần Văn Xinh giữa trận do hai danh thủ này sút giảm thể lực là khán giả ồ lên mạnh mẽ khi thấy ông từ hầm sân vận động bước vào sân làm ông cũng thêm phấn khích.
Ổn định khi về già
Sau khi cùng đồng đội Cảng Sài Gòn góp công giành chức vô địch quốc gia năm 1986, ông Thòn còn thi đấu thêm mùa 1987 rồi chính thức rời các giải đỉnh cao, về làm lai dắt tàu ở Cảng Sài Gòn. Đến năm 2009, ông xin nghỉ hưu non về vui sống với gia đình.
Mắt long lanh, ông Thòn kể: "Đầu năm 1976 lúc tôi 19 tuổi có theo đội bóng ở Sài Gòn về huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) thi đấu với đội phong trào của hãng nước mắm nổi tiếng Tân Việt. Đá bóng cũng có vui thật. Nhưng bất ngờ và vui nhất là dịp này tôi gặp ông bầu đội bóng chính là chủ hãng nước mắm trên, được ông cho làm quen với con gái thật xinh của mình là cô giáo Hồ Lệ Thủy. Chúng tôi làm quen và hợp ý nên ngay cuối năm đó đã tổ chức kết hôn, sống với nhau hạnh phúc đã 44 năm".
|
|
Thật ra. từ năm 2009 đến nay vợ chồng ông mới thường xuyên sát cánh bên nhau ở căn nhà do con gái thứ hai của ông là Nguyễn Đan Thùy để lại khi Thùy theo chồng là ảo thuật gia quốc tế Elvis Công định cư ở Mỹ. Chị đầu của Thùy là Nguyễn Hồng Thắm cũng đã lập gia đình và có nhà riêng ở gần đó.
Vợ chồng ông còn có hai con trai đều chơi bóng đá tốt là Nguyễn Hữu Thắng (tiền vệ đội trưởng tuyển U.23 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 22 năm 2003) và Nguyễn Hữu Thái từng thi đấu cho đội Quân khu 7 năm 2001 - 2003. Hữu Thắng đã có gia đình riêng và đời sống khá ổn định sau khi nghỉ thi đấu Còn Hữu Thái thì vẫn độc thân và hiện đang sống cùng nhà để chăm sóc cha mẹ.
Nghỉ hết mọi việc, lại được con cái chung tay lo cuộc sống, từ 11 năm nay ông Thòn được tham gia trọn vẹn những việc mình yêu thích. Lâu lâu ông có mệt vì huyết áp không ổn định và rối loạn tiền đình nhưng người hâm mộ vẫn luôn bắt gặp ông rất linh hoạt khi tham gia trong đoàn mô tô phân khối lớn của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM để diễu hành trong các ngày lễ lớn hoặc theo các đoàn đua xe đạp đi khắp nơi.
|
|
Ông Thòn thường chọn một số việc đam mê thực hiện thường xuyên để xả stress, xóa tan những nỗi phiền muộn còn sót lại. Ông nổi tiếng với ngón đàn ghi ta réo rắt với các bài hát boléro và cả nhạc trẻ, rất mê giọng hát của Phan Đình Tùng và Đàm Vĩnh Hưng. Trên tường nhà của ông có gắn ảnh của các ca sĩ mà ông yêu thích như Hương Lan, Giao Linh, Hà Thanh, Lệ Thu, Tuấn Vũ… Vợ chồng ông cũng hay "hòa giọng" trong các buổi hát karaoke ngay tại nhà mình với những người bạn văn nghệ sĩ.
Ông Thòn còn có một thú vui từ rất nhiều năm qua là câu cá và trở thành một tay câu nổi tiếng, cả cá biển lẫn cá đồng. Sau thời gian dài ham thích đam mê này, ông biết rất rành rẽ loại mồi cho từng loại cá, câu được nhiều loại cá mình thích như cá rô cần mồi là trứng con kiến, cá mú và cá đổng (cần mực), cá trắm (bún và mẻ)… nên mỗi lần buông câu là trúng lớn. Ông Thòn đang sống vui và khỏe với những người thân như vậy.
Bình luận (0)