Một tiếng ầm vang động khiến Thơ giật mình, bên tai còn văng vẳng "lũ, lũ về, chạy nhanh". Trong cơn mê ngủ, Thơ chỉ kịp vơ vội cuốn giáo án, lao ra khỏi cửa trước khi tiếng đổ ào ạt của cây rừng xé toạc đêm đen. Bùn đặc quánh tuôn như thác dữ từ ngọn đồi nứt toác đã tràn vào điểm trường, cuốn phăng mấy bộ bàn ghế cũ, xô đổ chiếc xích đu của lũ trẻ, cuồn cuộn mang đi hết những gì cản trở đường đi của nó.
Thơ vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại. Đêm trở khuya, mưa càng nặng hạt. Trong tiếng mưa có tiếng cây gãy níu nhau rào rạc, tiếng đất đá lẫn với bùn nước từ trên đồi cao dội xuống ầm ầm.
Thơ lúc này đã ngấm lạnh, run rẩy trước cơn cuồng nộ của đại ngàn. "Chạy nhanh". Một lực kéo mạnh giật Thơ vọt lên phía trước. Bóng người đàn ông cao gầy, ướt đẫm ẩn hiện trong mưa. Mắt Thơ nhòe nhoẹt nước.
"Anh Tâm. Anh Tâm hả? Đợi em". Cô theo dấu người đàn ông, chạy băng băng về phía đêm. Sau lưng, lũ quét như con thú hung tợn, truy đuổi sát sao.
Tiếng gà rừng báo sáng vang khắp thôn bản. Đêm qua lũ về, bầy gà nghe động bay loạn lên nóc nhà. Chúng cứ đứng trên mái mà vươn cổ gáy. Khói thoát ra từ những ngôi nhà lợp ngói âm dương xanh thẫm màu rêu lưng lửng bay, quyện vào sương sớm, bàng bạc. Sáng. Sáng rồi.
Thơ bị đánh thức bởi tiếng ho khù khụ trong bếp. Bà cụ Mẩy lưng còng đang lúi húi nhóm lửa. Mấy thanh củi chưa ráo hẳn, đốt mãi chẳng chịu cháy, ngun ngút khói. Thơ tính bước lại chỗ bà cụ nhưng vừa cử động đã thấy nhói, nhìn xuống mắt cá chân rịt thuốc, sưng phù. Thấy Thơ loay hoay, người phụ nữ đã vội can:
- Cô giáo cứ nằm yên trên phản, thuốc vừa bó, phải kiêng đi lại. Để bà thịt con gà đem nấu cháo. Nhanh lắm, cô giáo ăn nghe.
Thơ nhìn người phụ nữ lam lũ trước mắt, chẳng giấu nổi sự xúc động. Cô biết bà cụ. Mấy lần bà đến nhờ Thơ đăng tin tìm con trai lên mạng.
Bà không có chữ, cũng chưa từng ra khỏi huyện. Nhưng từ khi con trai bị người ta lừa đi biển, biền biệt không về, cứ cách vài tháng bà lại khăn gói vượt rừng, xuống huyện, bắt xe vào Nam tìm con. Lộ phí là dăm ba con gà chưa kịp lớn, nhốt trong cái bội tre, khệ nệ cặp một bên hông.
Cánh tài xế xe tải đường dài thấy bà cũng cho đi nhờ, cho cơm ăn nước uống. Nhưng bà cứ đi hoài, đi mãi, người gầy rộc, lưng mỗi lúc một còng thêm, xót quá, người ta không cho đi nữa, chỉ cho cách lên mạng tìm kiếm. Đối với những người sống dựa vào rừng, chết hóa thành ma giữa núi rừng như bà, từ thuở lọt lòng đến lúc tóc ngả màu mây, ngày ngày chỉ biết lên nương lên rẫy, nào hay biết lên mạng là gì.
Bà cụ đến tìm Thơ vào một hôm tối trời, rụt rè đặt vào góc nhà buồng chuối. Sự tử tế của người phụ nữ Cơ Tu khiến cô chạnh lòng. Bà nhờ cô đăng tin tìm con, rồi lấy ra từ trong tay nải bức ảnh cũ, quấn quanh là mấy lớp nilon. Thông tin ít ỏi chẳng có lấy chút gì hy vọng, nhưng đó là ngọn lửa sống của một người mẹ, đâu ai nỡ dập tắt.
Chúng ta cần ngọn lửa sống như thế để sưởi ấm tâm hồn những ngày hoang lạnh. Thơ đã thắp ngọn lửa ấy từ khi Tâm mất, để sống thay anh một cuộc đời ý nghĩa tại bản vùng cao xa xôi - nơi cô vẫn rơi nước mắt khi nghe bà con thương nhớ nhắc về người thầy cõng học sinh trên vai, vượt suối giữa mùa lũ. Khi từng em, từng em được đưa sang bờ bên kia an toàn, thầy quay trở về cũng là lúc nước lớn chảy xiết. Nước lũ đã cuốn một ngôi sao về trời, cướp của bản làng người con tình nghĩa, cướp của lũ trẻ một người thầy, người anh thương mến. Không ai biết, trận lũ năm đó đã cướp đi người mà Thơ yêu nhất. Người chỉ ít tháng nữa thôi sẽ cùng cô tay trong tay bước vào lễ đường.
Tin dữ đến quá đột ngột, Thơ ngẩn ngơ, không khóc. Rất lâu sau đó, cô vẫn không thể đối mặt với sự thật, nước mắt cứ thế lặn vào trong, rỉ rả ngày đêm. Thế rồi, Thơ viết đơn tình nguyện lên bản, tha thiết được đến nơi Tâm từng sống và dạy học. Gia đình, bè bạn không một ai ngăn cản, mọi người đều biết chỉ có nơi đó mới giúp tâm hồn cô gái trẻ được chữa lành.
Trong căn nhà gỗ bập bùng ánh lửa, bóng hai người phụ nữ, một già một trẻ tạc vào vách tường, run rẩy gió. Thơ cất giọng, âm thanh như lửa ấm.
- Bà ơi, con cảm ơn bà nhiều lắm. Nhưng, con phải về xem lớp học thế nào, học sinh của con chắc đang đợi.
Nhìn ánh mắt Thơ bừng sáng, bà cụ biết không thể ngăn cản quyết tâm của cô gái trẻ. Người phụ nữ lặng lẽ tiến lại chỗ vách tường, với tay lấy cái áo sơ mi, rồi dùng dao xé toạc thành những mảnh dài. "Phải chi hồi đó thằng A Luông có cái chữ thì đâu nên nỗi", nói đoạn, bà cụ lấy tay quệt nước mắt.
Thơ nhìn kỹ người phụ nữ trước mặt. Bà chỉ vừa qua tuổi 60 nhưng trông khọm rọm. Cái áo cũ vá chằng vá đụp chẳng đủ che hết những sứt sẹo thời gian. Thơ lại nhìn miếng giẻ còn mới quấn quanh chân, cô hiểu vì sao Tâm thương mảnh đất và con người nơi đây đến thế.
Hai bà cháu dắt díu nhau về tới điểm trường khi nắng đã lên nương. Lũ trẻ còn đang hoang mang nhìn bàn ghế ngổn ngang, lẫn trong bùn đất, vừa thấy cô giáo từ đằng xa đã mếu máo chạy lại.
- Con tưởng cô không quay lại đây nữa.
Một đứa òa lên khóc, cả nhóm nghe thế cũng khóc theo.
- Tụi con dọn lại trường, cô đừng về thành phố, cô ở đây dạy tụi con nghe cô.
Những đứa trẻ vùng cao lên tám, lên mười, người bé xíu, hai má đỏ hây hây, ngước nhìn Thơ bằng đôi mắt sáng trong, lấp lánh hy vọng. Thơ ngồi giữa đám trẻ, âu yếm nhìn những đôi mắt ướt.
- Cô không đi đâu hết, cô ở đây đến chừng nào các con lớn, mạnh mẽ như cây rừng, chịu không?
- Dạ chịu!
Cả nhóm đồng thanh đáp. Niềm vui hồn nhiên bung nở trên gương mặt trẻ thơ.
- Cô Thơ ơi, lớn lên con sẽ làm cô giáo để dạy chữ cho mọi người trong bản.
Bé gái quàng tay ôm cổ Thơ, ghé vào tai cô thủ thỉ.
- Con làm bác sĩ. Con sẽ đến tận nhà chữa bệnh cho người già.
Một em khác dõng dạc nói, lũ trẻ đứng chung quanh nghe thế cũng lao nhao.
- Con làm chú bộ đội bảo vệ rừng.
- Còn con làm thợ sửa xe.
- Con nữa, con làm thợ điện. Con sẽ đem ánh sáng về với buôn làng.
Những đứa trẻ ríu rít như bầy chim non, nhảy chân sáo về trường, vương lại nụ cười giòn tan màu nắng mới. Thơ chậm rãi theo sau, bùn đặc quánh níu chân. Trận lũ quét và sạt lở đất đêm qua tuy không lớn nhưng cũng đủ dọa cô một phen khiếp đảm.
Lớp học ngập trong đất đá, bàn ghế bị cuốn cả ra sân. Những người lính biên phòng và thanh niên trong bản đã có mặt ở đây từ rất sớm. Xa xa, bà cụ Mẩy đang cùng vài người nữa dọn dẹp đám cây rừng đổ rạp để khơi thông dòng suối. Đối với những bậc cao niên trong bản, suối có một ý nghĩa đặc biệt, giống như huyết quản, giữ cho rừng già mãi xanh tươi.
Thơ đứng lặng trước căn nhà nhỏ dành cho giáo viên. Một mảng tường lớn bị cây gãy đè trúng, đổ sập. Đêm qua chỉ cần chậm ít giây, cô rất có thể đã bị chôn vùi trong đống đổ nát kia. Nước mắt lã chã rơi trên gương mặt nom hốc hác. Đã ba năm kể từ ngày Tâm mất, Thơ mới có thể khóc, nhẹ nhõm, bình yên buông xuống những chấp niệm trong lòng.
Trước đây, Tâm luôn mong Thơ cùng anh lên bản, sống cuộc đời bình dị giữa núi rừng. Thơ không phản đối cũng chẳng thật lòng ủng hộ, chỉ hứa hẹn qua loa. Cô vẫn muốn anh trở lại thành phố, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Mỗi lần nghe Thơ đề nghị vậy, Tâm chỉ cười "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai". Cũng vì chuyện này mà lần gặp cuối của cả hai không mấy vui vẻ.
Sự ra đi đột ngột của Tâm khiến Thơ day dứt mãi. Một mình cô lặn lội lên bản, mong tìm anh giữa đại ngàn xanh biếc, trong tiếng chim gọi bầy, trong gió chiều hun hút. Trong câu chuyện mỗi khi đêm xuống, bà con vẫn ngồi kể cho nhau nghe những kỷ niệm về một thầy giáo trẻ, lưng đeo gùi, cùng đám nhỏ lên nương.
Cô đi tìm anh giữa xóm nghèo, trong đôi mắt trẻ thơ trong veo. Trong cuốn giáo án anh còn dang dở, Thơ tiếp tục viết những trang mới với một lòng say mê vô hạn. Thời gian ở bản, cô tìm thấy trong tình yêu dành cho anh, một tình yêu lớn hơn dành cho xứ sở này.
Thơ đứng lặng hồi lâu trước đống đổ nát, kỷ niệm ùa về như thước phim tua ngược. Nước chảy tràn khóe mắt, ướt đẫm hai bên má. "Anh Tâm. Anh Tâm ơi. Có phải anh vẫn luôn ở đây, âm thầm bảo vệ em?".
Một bàn tay bé xíu nắm lấy tay Thơ, kéo về hướng bờ suối. Trên bãi đá, những cuốn sách lấm lem bùn nước được các em nhặt về, trải ngay ngắn ra phơi.
- Cô ơi, may quá, sách vẫn còn đủ cả.
Đám trẻ reo lên sung sướng. Nắng chiếu vào trang giấy, sáng bừng từng gương mặt. Thơ chăm chú nhìn tụi nhỏ, đứa đi chân trần, đứa mang áo vá, say mê đọc chữ, xem tranh. Ngước nhìn ngọn đồi vắng những mảng xanh, Thơ tự nhủ lòng phải cố gắng thêm nhiều nữa, để không chỉ dạy chữ, cô còn cần dạy các em cách sống bền vững với thiên nhiên. Bởi suy cho cùng, để những mầm xanh của bản làng lớn lên mạnh mẽ, hồn nhiên, rừng già cũng cần những mầm xanh che phủ đất trống đồi núi trọc.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)