Đó là chia sẻ tâm huyết của ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tại Hội nghị gặp gỡ với Thủ tướng hôm nay ngày 26.12.
Từ thầu phụ tới tổng thầu
Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành xây dựng, ông Lê Viết Hải nhận định sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá với hậu quả nặng nề, công cuộc tái thiết đã không được thuận lợi trong thời kỳ bao cấp với nhiều sự bất cập khiến nền kinh tế nước ta đã kiệt quệ, lại càng trì trệ và khó khăn hơn. Nhưng, điều kiện vô cùng bất lợi đã tạo ra cơ hội cho sự phát triển bùng nổ của ngành xây dựng Việt Nam khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới. Bù đắp cho sự thiếu hụt trầm trọng các công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng trong thời gian quá dài là hàng ngàn dự án hiện đại được xây mới với tốc độ chóng mặt bởi rất nhiều nhà thầu quốc tế mà đối tác là những nhà thầu nội. Từ vai thầu phụ, các doanh nghiệp Việt chuyển sang đối tác liên danh và đến nay đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình qui mô lớn có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao. Ngành xây dựng trong một thời gian ngắn đã tạo nên một năng lực cạnh tranh vượt trội.
“Ông trùm xây dựng” cho biết thành lập đúng vào thời kỳ đổi mới, Hòa Bình không chỉ hình thành một đội ngũ nhân lực hùng hậu, làm chủ công nghệ để đưa ra nhiều cải tiến xuất sắc mà còn là đơn vị tiên phong đưa ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài. Việc này, sẽ mở ra một thị trường có quy mô gấp hàng trăm lần thị trường trong nước, đưa xây dựng sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo chúng ta luôn có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của cả thế giới. “Chỉ vài năm trước, những dự án quy mô lớn đòi hỏi kỹ - mỹ thuật cao như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... là thị trường của nhà thầu ngoại. Nếu bây giờ doanh nghiệp xây dựng chúng ta không tích cực và chủ động ra ngoài học hỏi để luôn có sự tiến bộ kịp với thế giới thì tình trạng “Dự án siêu sao chê nhà thầu nội” có thể sẽ lặp lại trong tương lai” – ông Hải cảnh báo và nói thêm: Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn giúp cung cấp việc làm ổn định hơn cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng khi thị trường trong nước bão hoà hoặc có biến động. Mặt khác, chuỗi cung ứng phụ trợ có liên quan như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các dịch vụ tư vấn thiết kế, tài chính, đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển… sẽ phát triển mạnh mẽ.
“Tôi xin nhấn mạnh mục tiêu của chúng ta là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động xây dựng. Cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về sự vượt trội trong ứng dụng những thành tựu mới nhất trong công nghệ và quản trị” – ông Hải nhấn mạnh.
Đấu thầu quốc tế : Nhà thầu nước ngoài phải liên danh trong nước
Để ngành xây dựng ra biển lớn, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình đã nêu ra một số kiến nghị. Cụ thể, đối với những dự án quy mô lớn (như dự án đường cao tốc và đường sắt Bắc - Nam, dự án tàu điện ngầm thủ đô Hà Nội và TP.HCM, sân bay Long Thành...) nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn. Điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước theo tỷ lệ tham gia của nhà thầu trong nước tối thiểu là 35% và hình thức liên danh là bình đẳng, cùng quản lý điều phối toàn dự án chứ không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính - thầu phụ. Điều này không chỉ giúp Chính phủ giảm được gánh nặng về vốn mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng trong nước có cơ hội học hỏi để có thể làm chủ công nghệ ngay sau khi được cùng quản lý điều phối dự án với nhà thầu nước ngoài ở gói thầu đầu tiên. Từ đó, nhà thầu trong nước có đủ khả năng làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói thầu còn lại mà không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại với cái giá phải trả nhiều khi lên đến gấp đôi gấp ba.
Song song, Việt Nam cần một cơ quan chuyên trách ở trong nước kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài (các tòa đại sứ, tổng lãnh sự, các tham tán kinh tế, tham tán thương mại, đại diện các tổ chức phi chính phủ...) để thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước có tiềm năng và điều kiện thuận lợi, qua đó cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận các thị trường này.
"Khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác, cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại. Một điều khoản nên quan tâm nữa đó là doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công khi đưa vào nước sở tại. Hiệp định cũng cần có điều khoản tránh đánh thuế hai lần đối với doanh nghiệp Việt.
Cũng như các ngành nghề khác, doanh nghiệp ngành xây dựng cần được tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thục hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của nhà nước như toà đại sứ, toà tổng lãnh sự... Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước. Đồng thời sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở Hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm.
“Cần có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác để tạo nên những doanh nghiệp xây dựng có đẳng cấp quốc tế. Cuối cùng, phải truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển toàn diện ngành xây dựng cùng các chuỗi cung ứng với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Không chỉ những người chủ doanh nghiệp các ngành sản xuất công nghiệp mà cả chủ doanh nghiệp xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu” - ông Lê Viết Hải đề xuất.
Bình luận (0)