Tìm thấy hai kiến trúc cổ độc đáo ở Luy Lâu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/01/2023 07:42 GMT+7

Tại thành cổ Luy Lâu , hai kiến trúc cổ đã được tìm thấy trong đợt khai quật mới nhất.

10 năm nghiên cứu thành cổ Luy Lâu

Cuộc khai quật cuối năm 2022 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các nhà khoa học từ Trường ĐH Đông Á (Nhật Bản) tại Khu di tích thành cổ Luy Lâu (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) đánh dấu cột mốc mới trong cuộc nghiên cứu đã kéo dài 10 năm đối với di tích này. Trong thời gian đó, các nhà khoa học tìm mọi cách để hiểu quy mô, cấu trúc, niên đại, vị thế, vai trò của Luy Lâu - một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở VN và khu vực Đông Á.

Hiện trường khai quật nhìn từ trên cao

Báo cáo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết sinh hoạt, cư trú là các đống tro than, mảnh đồ gốm nằm lẫn trong lớp đất bồi phù sa. Họ cũng tìm thấy 2 kiến trúc thời Lục triều (Trung Quốc) xây trùm lên nhau và trùng hướng.

Kiến trúc thứ nhất có hai bên tường xây chạy song song, trong lòng lát một lớp gạch, cấu trúc gần hình thang úp ngược, trên miệng rộng 0,9 m, dưới đáy rộng 0,7 m. Kiến trúc được xây dựng khá cẩn thận, tuy nhiên gạch xây dựng được tận dụng lại có kích cỡ dày mỏng khác nhau, niên đại từ thế kỷ 1 - 4.

Kiến trúc thứ hai xây bằng gạch, tạo khối đặc rất kiên cố, xây giật cấp thu dần vào trong gần giống cuốn vòm, mặt phía đông còn khá nguyên vẹn. Kiến trúc này tiếp tục có hướng tiến về phía nam, phía bắc theo dọc lòng tường thành. Gạch sử dụng xây tường có nhiều kích cỡ khác nhau, trang trí các loại hoa văn hình ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S... niên đại khoảng từ thế kỷ 1 - 4.

Với mức độ dày đặc mật độ làng mạc, di tích di chỉ, chỉ có thể là một trung tâm của Giao Chỉ mới sầm uất như vậy. Nên chúng tôi cho rằng đây là đất Giao Chỉ.

GS Hoàng Hiểu Phấn, Trường ĐH Đông Á (Nhật Bản)

TS Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: “Quan sát cho thấy hai kiến trúc này được xây ở hai thời điểm khác nhau, kiến trúc thứ nhất xây trước, sử dụng một thời gian và bị vùi lấp. Sau đó, kiến trúc thứ hai được xây dựng lên trên, cùng hướng, tuy nhiên phần móng của kiến trúc thứ hai không trùng với tường phía tây của kiến trúc thứ nhất mà nằm lệch vào trong lòng của kiến trúc thứ nhất”.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy phế tích kiến trúc thời Tùy - Đường, thời Nguyễn và nhiều di vật như vật liệu xây dựng là các loại gạch chữ nhật, gạch múi bưởi. Số gạch này có nhiều màu như vàng nhạt, đỏ và xám xanh. Chúng cũng có hoa văn trang trí khá phong phú như: ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S. Ngói tìm thấy có dạng ống và lòng máng. Bên cạnh đó là các mảnh đồ gia dụng bằng đất nung, sành và gốm men thuộc các loại hình như bát, đĩa, bình, vò... Ngoài ra, ở nửa phía tây trong lớp đất đắp thành thời Lục triều tìm thấy một số tiền đồng Ngũ Thù. Các di vật thu được trong hố khai quật có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 1 đến tận đầu thế kỷ 20.

Phát hiện mới về kiến trúc, tường thành Luy Lâu

Theo TS Đoàn, hiện tượng tiền đồng vẫn xuất hiện ở trong lớp đất đắp thành giai đoạn Lục triều, tuy không nhiều như ở tường thành phía bắc, có thể liên quan là một nghi lễ của người xưa trong quá trình xây đắp tường thành.

Các nhà nghiên cứu trong cuộc khai quật tại Luy Lâu

BTLS cung cấp

Ông Đoàn cũng so sánh chiều cao tường thành ở Luy Lâu với Cổ Loa. Theo đó, lũy thành ở Cổ Loa cao từ 4 - 5 m, có vị trí cao từ 8 - 12 m rất phù hợp với việc bảo vệ và phòng thủ trong quân sự. Trong khi ở Luy Lâu tường thành đắp ở giai đoạn Lục triều khá thấp, độ cao từ 1,5 - 1,8 m, khả năng chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài vào trong nội thành là rất thấp. “Nhiều khả năng việc đắp tường thành ngoại Luy Lâu trước hết là tường bao ngăn cách nội thành với bên ngoài. Bên cạnh đó nó còn có chức năng giống như một con đê ngăn nước từ con sông Dâu vào mùa mưa lũ, hoặc xây dựng kiến trúc ngay trên mặt thành”, TS Đoàn cho biết.

Nhóm nghiên cứu người Nhật Bản cho rằng kiến trúc thời Lục triều lần này tìm thấy chính là phần tường thành phía tây. Chúng có cách xây dựng rất giống với tường thành Kiến Khang thời Lục triều. Trong khi đó, các nhà khoa học Việt lại cho rằng đây là bó nền của một công trình kiến trúc có quy mô rất to lớn. Điều này căn cứ vào cấu trúc xây dựng khối đặc rất chắc chắn, được đắp một lớp đất sét trên có lớp ngói đầm chắc, thường dùng để gia cố nền trong lòng của kiến trúc. Thêm vào đó, vị trí xây dựng các kiến trúc này rất gần với bờ sông Dâu nên có thể liên quan đến hoạt động của cảng thị Luy Lâu xưa.

Ông Đoàn cũng đề nghị: “Lần đầu tiên trong lòng tường thành Luy Lâu tìm thấy một, hai kiến trúc có hình dạng độc đáo, quy mô lớn, được xây dựng trước khi tiến hành đắp tường thành. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần có phương án bảo quản và có kế hoạch khai quật mở rộng để làm rõ quy mô và chức năng của kiến trúc”.

GS Hoàng Hiểu Phấn, Trường ĐH Đông Á, cho biết quá trình khảo sát di tích còn cho thấy xung quanh khu vực thành này có các làng mạc, cho thấy người dân cư trú rất rộng, chứng tỏ đây là khu đô thị sầm uất. “Xung quanh thành này có cả khu vực trung tâm làng mạc, đền miếu, tập trung nhiều thứ. Đó chính là một quần thể cho thấy trung tâm đô thị. Với mức độ dày đặc mật độ làng mạc, di tích di chỉ, chỉ có thể là một trung tâm của Giao Chỉ mới sầm uất như vậy. Nên chúng tôi cho rằng đây là đất Giao Chỉ”, vị GS cho biết. Cũng theo GS Hoàng Hiểu Phấn, trong lịch sử VN, giai đoạn thế kỷ 10 về sau được nghiên cứu kỹ. Trong khi đó, giai đoạn từ thế kỷ 10 về trước còn mơ hồ, nên đấy cũng là điểm các nhà khoa học tập trung trong nghiên cứu này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.