Tin tức Covid-19 TP.HCM: Dấu hiệu F0 trở nặng nhóm nguy cơ cao, cần liên hệ ai?

Duy Tính
Duy Tính
17/03/2022 11:05 GMT+7

Tính đến hết ngày 17.3, TP.HCM đang có 103.305 ca mắc Covid-19 được cách ly, chăm sóc và điều trị.

Trước thực trạng người mắc Covid-19 (F0) tại TP.HCM đang tăng, nhưng chủ yếu là cách ly tại nhà, Sở Y tế TP.HCM triển khai khai báo F0 tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn. Ngoài việc khai báo để cấp quyết định cách ly, giấy xác nhận hoàn thành cách ly, F0 là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ sẽ được tổng đài 1022 nhắn tin thông báo khẩn về Trạm Y tế địa phương để liên hệ, hỗ trợ cho F0.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đi giám sát thực hiện khai báo y tế của F0 qua mạng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho F0 và nhân viên y tế.

DUY TÍNH

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc Covid-19 hoặc F0 trở nặng, cần xử trí đúng để bảo vệ người nguy cơ cũng như chuyển viện kịp thời các trường hợp trở nặng, giúp giảm nguy cơ tử vong.

Covid-19 sáng 17.3: Cả nước 6.820.458 ca nhiễm | Tái nhiễm Covid-19 có nặng hơn không?

Nhanh chóng tách riêng F0 với người thuộc nhóm nguy cơ cao

Theo HCDC, phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do Covid-19 trên địa bàn TP.HCM có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc xin. Do đó chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ đã được triển khai và thực tế đã cho thấy hiệu quả khi số tử vong của thành phố hiện đang ở mức thấp. Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng do biến chủng Omicron thì việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ vẫn là biện pháp rất quan trọng. TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mở rộng cho người trên 50 tuổi và người có bệnh nền ở mọi lứa tuổi.

Những địa chỉ cần liên hệ ngay khi F0 ở nhà trở nặng

hcdc

Theo đó, để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, điều đầu tiên là cách ly ngay người mắc Covid-19 với người thuộc nhóm nguy cơ để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19. Bên cạnh đó cần thực hiện việc theo dõi sát tình hình sức khỏe, dấu hiệu bệnh của người thuộc nhóm nguy cơ để phát hiện và điều trị sớm. Nếu F0 trong gia đình là trẻ em, cần phải cách ly trẻ, không để tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ cao trong gia đình. Nếu gia đình không đủ điều kiện cách ly riêng, thì người nhà nên cho trẻ nhập viện để điều trị.

Trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 gặp dấu hiệu này cần báo y tế ngay

Nếu người nguy cơ có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (sốt, ho, đau họng, rát họng, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, đau mỏi người, đau cơ, mất vị giác, mất khứu giác …) thì đến ngay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tự xét nghiệm Covid-19 hoặc thông báo cho y tế địa phương. Điều quan trọng tiếp theo, nếu người thuộc nhóm nguy cơ xác định mắc Covid-19 thì cần đảm bảo họ được sử dụng ngay thuốc Molnupiravir.

Tính đến hết ngày 17.3, TP.HCM có 103.305 ca mắc Covid-019 đang được cách ly, chăm sóc và điều trị. Trong đó có 5.463 ca đang điều trị tầng 2, tầng 3; 606 ca đang cách ly tập trung và 97.236 ca đang cách ly tại nhà. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 612 ca, 94 ca thở máy. Có 392 trẻ em và 53 phụ nữ mang thai đang điều trị tại bệnh viện.

Những dấu hiệu F0 trở nặng

Theo HCDC, người thuộc nhóm nguy cơ khi mắc Covid-19 có thể cách ly điều trị tại nhà nhưng cần phải được theo dõi sát, đo nhiệt độ, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu có) và lắng nghe chính xác các biểu hiện của cơ thể.

F0 đến Trạm Y tế nhận giấy hoàn thành cách ly

DUY TÍNH

Cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng bao gồm: khó thở, thở nhanh, SpO2 bằng hoặc dưới 96%, đau tức ngực, tím tái, lơ mơ không tỉnh táo... báo ngay cho nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

Cần liên hệ ai để được hỗ trợ?

Khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc Covid-19 tại TP.HCM hoặc F0 trở nặng, có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh, hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) thì người nhà cần liên hệ đến Trạm y tế, Trạm Y tế lưu động nơi cư trú để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Nếu gọi không được thì có thể liên hệ tiếp tổng đài 1022, hotline của HCDC, Sở Y tế để được hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.