Tình hình Biển Đông vẫn xấu đi

12/07/2021 07:30 GMT+7

Nhân dịp đánh dấu 5 năm kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế ngày 12.7.2016 đưa ra phán quyết bác bỏ bản đồ “ đường lưỡi bò ” của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thanh Niên đã phỏng vấn một số chuyên gia quốc tế để đánh giá về tình hình vùng biển này thời gian qua.

Trả lời phỏng vấn có các chuyên gia: ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ); PGS-TS Richard Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị và các vấn đề quốc tế của Philippines; TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore.

Bắc Kinh tăng cường quân sự

Ông đánh giá như thế nào về tình hình Biển Đông trong 5 năm qua ?
Ông Greg Poling: Tình hình ở Biển Đông diễn biến xấu hơn đối với các bên tranh chấp ở Đông Nam Á. Từ sau năm 2016, Trung Quốc hoàn thành thêm nhiều cơ sở quân sự ở một số thực thể tại Biển Đông để tăng cường lực lượng và triển khai hàng trăm tàu dân quân ở quần đảo Trường Sa. Những điều đó đang khiến cuộc sống của ngư dân, các nhà khai thác dầu khí và thường dân trên khắp khu vực ngày càng khó khăn hơn.
5 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế: Tình hình Biển Đông vẫn xấu đi

ẢNH: NVCC

PGS-TS Richard Heydarian: Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước ở Đông Nam Á lẫn Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… bị phân tâm. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình nhằm củng cố vị thế kiểm soát nhiều hơn về mặt thực địa ở Biển Đông. Trung Quốc tăng cường lực lượng dân quân biển quấy rối Philippines, Việt Nam. Điển hình là vụ nhiều tàu dân binh biển của Trung Quốc hoạt động suốt nhiều tháng tại bãi Ba Đầu. Bắc Kinh đang bao vây, cưỡng ép các nước khác ra khỏi khu vực quần đảo Trường Sa.
TS Swee Lean Collin Koh: Chúng ta chưa thấy xung đột bùng phát ở Biển Đông. Nhưng tình hình đã trở nên căng thẳng hơn - với sự can dự của nhiều bên (đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ) và một loạt các vụ gây sức ép ở một số thực thể tại Biển Đông. Xung đột chưa nổ ra có thể do các bên liên quan nỗ lực giữ cho hành động của họ dưới ngưỡng sử dụng vũ trang và các cuộc đối thoại tiếp tục đang diễn ra, chẳng hạn như các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang diễn ra - dù đàm phán đã chậm lại kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Trung Quốc có nhiều hoạt động gây quan ngại

Suốt 5 năm qua, Trung Quốc liên tục có nhiều hành vi gây quan ngại ở Biển Đông. Giữa năm 2019, Trung Quốc điều động tàu khảo sát Hải Dương 08 cùng lực lượng tàu yểm trợ xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng thường xuyên quấy phá tàu cá của ngư dân Việt Nam. Trong đó, một vụ việc nghiêm trọng đã diễn ra vào ngày 2.4.2020 khi tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm 1 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động hợp pháp ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Được mệnh danh là “hung thần” trên Biển Đông, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đầu năm nay được Quốc hội nước này thông qua luật mới cho phép sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Điều này gây nên quan ngại nghiêm trọng vì Trung Quốc có thể lợi dụng để tấn công tàu các nước.
Cũng trong 5 năm qua, Bắc Kinh đã quân sự hóa, triển khai nhiều hệ thống do thám, tên lửa đối không (như HQ-9) lẫn đối hải (YJ-12, YJ-62…) đến các thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp. Trong số này, sau đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa cũng đã được Trung Quốc hoàn thiện các hạ tầng đường băng, nhà chứa máy bay. Kèm theo đó, Trung Quốc cũng thường xuyên điều các loại máy bay tiêm kích như J-10 và J-11, oanh tạc cơ H-6 đến các đảo và bãi đá vừa nêu.
Bắc Kinh cũng liên tục tổ chức nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông trong những năm gần đây.
Ông nhận định thế nào về các động thái của Trung Quốc (ví dụ tăng cường thiết lập vùng xám, quân sự hóa…) ở Biển Đông?
Ông Greg Poling: Trung Quốc thực thi chiến lược vùng xám ở Biển Đông bằng cách điều động lực lượng hải cảnh và dân binh biển gây ra nguy cơ va chạm và đe dọa các tàu của Philippines, Malaysia và VN. Các nước trong khu vực ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư sẵn sàng vào dầu khí ngoài khơi vì những rủi ro. Ngư dân Philippines đang bị xua đuổi khỏi ngư trường. Không bao lâu nữa, Biển Đông sẽ quá nguy hiểm cho bất kỳ thường dân nào khác ngoài Trung Quốc hoạt động.
TS Swee Lean Collin Koh: Những năm qua, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đã tiến hành củng cố hơn nữa quyền kiểm soát và thống trị thực tế ở Biển Đông. Điển hình là các cuộc nâng cấp liên tục đối với khu vực mà họ kiểm soát - đặc biệt là các tiền đồn đảo nhân tạo, hoặc việc tăng cường khả năng quân sự và tuần duyên nói chung ở khu vực. Và như tôi đã đề cập, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các hành vi cưỡng ép đối với các nước Đông Nam Á tại Biển Đông.

Cẩn trọng với COC

Đâu là giải pháp để giảm căng thẳng Biển Đông? Và đâu là các yếu tố cần thiết để các bên đạt được một COC hiệu quả?
Ông Greg Poling: Các giải pháp chỉ có thể thông qua biện pháp ngoại giao. Dù có được thông qua, COC khó giải quyết các căng thẳng. Vì vậy, các bên tranh chấp ở ASEAN nên tiến hành các cuộc thảo luận song song về quản lý nghề cá, dầu khí, hoạt động thực thi pháp luật và các vấn đề quan trọng khác trong tiến trình làm việc giữa ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước ASEAN nên ủng hộ quốc tế hóa các tranh chấp - nêu vấn đề tại LHQ và các diễn đàn khác - để khiến Trung Quốc phải trả giá về mặt ngoại giao khi gây ra các hành vi xấu. Chỉ có sự lên án quốc tế mới khiến Trung Quốc phải tìm kiếm các thỏa hiệp.
PGS-TS Richard Heydarian: Con đường phía trước cho chúng ta là các thành viên ASEAN, đặc biệt là Philippines, Việt Nam, Indonesia cần phối hợp hành động nhiều hơn. Về COC, tôi không kỳ vọng nhiều, vì có thể dẫn đến một nhận thức sai lầm rằng Trung Quốc đang tương tác với các nước láng giềng một cách hòa bình và tôn trọng. Các nước ASEAN trước hết cần có một bộ quy tắc ứng xử riêng.
5 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế: Tình hình Biển Đông vẫn xấu đi

ẢNH: NVCC

TS Swee Lean Collin Koh: Có một thực tế là chưa thấy giải pháp cuối cùng nào đủ sức giải quyết các tranh chấp này, cách duy nhất sắp tới là kiểm soát căng thẳng một cách hòa bình. Trong khi duy trì các nỗ lực đối thoại, các bên Đông Nam Á yếu hơn ở Biển Đông vẫn sẽ phải tăng cường năng lực lực lượng hàng hải quốc gia.
Ngoài ra, các kịch bản hiện tại và tương lai dự đoán Biển Đông sẽ khiến việc gắn kết hơn nữa với các quốc gia bên này trở nên quan trọng hơn. Những nỗ lực này kết hợp lại có thể giúp duy trì một phương thức hòa bình và ổn định ở Biển Đông, để không một bên cụ thể nào có thể chiếm ưu thế hoàn toàn.
5 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế: Tình hình Biển Đông vẫn xấu đi

ẢNH: NVCC

Bên cạnh các động thái an ninh - chính trị trên, các bên liên quan ở Biển Đông phải tiếp tục nhấn mạnh luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên quy tắc - ví dụ như gửi công hàm tới LHQ để phản đối những tuyên bố bành trướng của Bắc Kinh là cách tốt. Đối với các nước Đông Nam Á, điều quan trọng là phải đa dạng hóa các nguồn đầu tư và thị trường xuất khẩu của họ để giảm bớt hoặc giảm thiểu rủi ro do kinh tế Trung Quốc ép buộc.
Mặc dù COC đã được xem là một giải pháp quan trọng trong tương lai, nhưng nếu không có bất kỳ định hướng nào sâu hơn cho cơ chế của COC - đặc biệt là các cơ chế đảm bảo việc tuân thủ và thực thi - thì rất khó để COC có tác động lâu dài ở Biển Đông.

Tìm cách hợp thức hóa với UNCLOS

ẢNH: NVCC

Trung Quốc đã tuyên bố các phán quyết của tòa là vô hiệu. Trong khi đó, với tư cách là một bên của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, Bắc Kinh bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi các quyết định của Tòa Trọng tài.
Có thể Trung Quốc sẽ thay đổi các lập trường pháp lý ở Biển Đông nhằm hợp thức hóa với các quy định mà nước này đã ký trong UNCLOS.
Hai biện pháp khả dĩ nhất để giải quyết tình hình căng thẳng của Biển Đông: Một là các bên tranh chấp thuộc khối ASEAN tự giải quyết với nhau các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS; hai là các bên trong ASEAN mời Trung Quốc tham gia một ủy ban hỗn hợp lâm thời để quản lý nghề cá, bảo vệ môi trường và nguồn sống ở các vùng biển trong khu vực.
GS Stein Tønnesson
(Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, Na Uy)

Tăng cường hợp tác hàng hải

ẢNH: NVCC

Các nước có thể thúc đẩy sự đồng thuận lớn hơn về các quy tắc hàng hải. Điển hình là nhiều nước đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông. Đối với các quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, việc gửi thêm tàu chiến trong một khu vực đã có tranh chấp và tham gia vào các hoạt động hải quân nên được phối hợp với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền. Các bên cần tăng cường hợp tác hàng hải trong nhiều lĩnh vực: giám sát, môi trường, phát triển và cơ sở hạ tầng… Hợp tác hàng hải này có thể nâng cao năng lực của các quốc gia trong việc tuần tra trên biển, bảo vệ tài nguyên biển và môi trường…
TS Rebecca Strating (Chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế - Khoa Chính trị, Truyền thông và Triết học - Đại học La Trobe, Úc)

Cần tiếp tục lên án hành vi bá quyền của Trung Quốc

ẢNH: NVCC

Đã 5 năm kể từ khi quyết định của PCA bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Bất chấp điều đó, Trung Quốc xây dựng và sau đó quân sự hóa các đảo nhân tạo và sử dụng chiến thuật “vùng xám” để đe dọa các nước khác. Về mặt pháp lý, một số quốc gia và các tổ chức siêu quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Anh và EU đã đệ trình các văn bản lên LHQ để phản đối hành động và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Về mặt ngoại giao, Nhật Bản, Mỹ và G-7 đều đã chỉ trích các hành vi Trung Quốc trong các tuyên bố và thông cáo chung.
Tuy nhiên, việc tiếp tục tiến hành các hoạt động như triển khai lực lượng hải quân đến hoạt động ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế cũng cần đẩy mạnh, để tiếp tục phát đi tín hiệu rằng phần lớn cộng đồng quốc tế bác bỏ và không chấp nhận hành vi bá quyền của Trung Quốc.
Thực tế, khó có việc các bên dễ dàng đạt được thỏa thuận, bởi một nguyên nhân quan trọng là chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao ở Trung Quốc gây cản trở cho các thỏa thuận về Biển Đông. Trong tương lai gần, vấn đề Biển Đông sẽ khó được giải quyết nếu các bên chưa thể tìm được giải pháp chung đủ sức đảm bảo không bên nào bị mất mặt.
PGS Stephen Robert Nagy
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.