Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, Việt Nam có 159,97 triệu liều vắc xin qua các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ. Dự kiến số lượng vắc xin về trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều. Hiện số lượng vắc xin đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều. Kết quả tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương: TP.HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội đã tiêm 4,4 triệu liều (đạt 77%). Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP.HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%). Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vắc xin về Việt Nam, trong đó đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 về khoảng 31,2 triệu liều, tháng 11 về khoảng 23,9 triệu liều, tháng 12 về khoảng 25,5 triệu liều.
Tuần qua, số ca tử vong trung bình theo ngày của cả nước và TP.HCM giảm 30%. Báo cáo về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5.9 đến 11.9, Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng trong tuần đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%. Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30% và Tiền Giang giảm 70%. Hiện có có 8 địa phương gồm Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Báo cáo cho hay, trong tuần qua TP.HCM đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số tử vong. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Q.7, Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới, số ca nhiễm và số ca tử vong ở TP.HCM tiếp tục giảm.
Mã QR cá nhân sẽ dùng chung thống nhất toàn quốc. Ngày 11.9, Bộ TT-TT ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, Việt Nam đang sử dụng rất nhiều app (ứng dụng) phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau của các bộ như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health, Sổ sức khỏe điện tử, Quản lý cách ly...; hay của từng địa phương như HCDC App, Y tế HCM, mới nhất là VNEID (do TP.HCM và Bộ Công an phối hợp xây dựng)... Ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cho biết: “Bộ TT-TT đã hoàn thành xây dựng nền tảng QR quốc gia, hiện đang trong giai đoạn chờ các app kết nối, đồng bộ, dự kiến sẽ cần khoảng 1 tuần để thực hiện”.
F0 điều trị khỏi bệnh được phép tham gia lưu thông ở vùng xanh Bình Dương. Ngày 11.9, UBND tỉnh Bình Dương ban hành văn bản về phương án lưu thông liên huyện ở vùng xanh gồm các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Các phương tiện giao thông được phép lưu thông qua lại giữa các vùng xanh phạm vi trong huyện và giữa các huyện vùng xanh với nhau trên cở sở đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch. Đáng chú ý, về người được tham gia lưu thông, ngoài lực lượng phòng chống dịch, người được ưu tiên, người tiêm 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày trở lên, UBND tỉnh Bình Dương cho phép F0 đã được chữa khỏi bệnh tham gia lưu thông ở các huyện vùng xanh, bắt đầu từ ngày 11.9. F0 khỏi bệnh và người tiêm 2 vắc xin mũi vắc xin chưa được qua lại giữa 2 vùng xanh và vùng đỏ.
Nới lỏng giãn cách, Phan Thiết hướng đến “thành phố xanh”. Ngày 10.9, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân ban hành thông báo mới nhất về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau 3 ngày chuyển trạng thái từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 12.9, cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước, nhân viên y tế, phóng viên khi vào TP.Phan Thiết chỉ cần xuất trình thẻ thông hành do cơ quan mình cấp, kèm theo giấy căn cước (hoặc CMND). Tài xế, phụ xe, shipper chỉ cần khai báo y tế và xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ. Đối với người về từ vùng dịch, xuất trình giấy kết quả xét nghiệm Covid-19 chưa quá 72 giờ, khai báo y tế và thực hiện cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế. Chuyên gia, người lao động đang ở thành phố phải ra ngoài thành phố làm việc, khi quay về chỉ cần xuất trình thẻ thông hành, kèm căn cước…
Hà Nội xét nghiệm diện rộng gần 900.000 mẫu, chỉ phát hiện 9 ca dương tính. Báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội cho biết, về kết quả xét nghiệm diện rộng, tính đến 12 giờ trưa nay, 11.9, toàn thành phố đã lấy được 876.427 mẫu, trong đó 674.700 mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp và 201.727 mẫu test nhanh kháng nguyên. Kết quả, trong số 674.700 mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp, có 52.028 mẫu âm tính, 2 mẫu dương tính, số còn lại chờ kết quả. Trong 201.727 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 201.714 mẫu âm tính, 13 mẫu dương tính. Sau đó, 13 mẫu dương tính qua test nhanh được lấy lại mẫu để xét nghiệm PCR, kết quả có 7 mẫu dương tính.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Đà Nẵng hướng dẫn tiếp tục triển khai giấy đi đường mã QR đã cấp hết hiệu lực từ 8 giờ ngày 12.9. Cụ thể, đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được phê duyệt, cấp giấy và không thay đổi thông tin, nhân viên thì sử dụng tài khoản đã cấp, đăng nhập vào ứng dụng (tại địa chỉ https://giaydiduong.danang.gov.vn) để lấy giấy đi đường mã QR mới do ứng dụng đã tự động cấp giấy mới, có hiệu lực đến ngày 18.9. Theo đó, đơn vị chỉ việc in và triển khai cho nhân viên sử dụng theo quy định. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được phê duyệt, cấp giấy và có thay đổi thông tin, nhân viên thì sử dụng tài khoản đã cấp, đăng nhập ứng dụng để thu hồi các giấy đi đường cũ. Sau khi cơ quan phê duyệt xác nhận hủy; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện cập nhật danh sách mới lên hệ thống theo đúng số lượng được cấp; in, phát hành cho nhân viên sử dụng theo hướng dẫn trước đó.
Bình luận (0)