Tình hình Covid-19 đáng chú ý hôm nay, mỗi ngày, TP.HCM có gần 1 triệu lượt người ra đường với 120.000 phương tiện. Ngày 17.8, Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua, mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người ra đường cùng với 120.000 phương tiện. Công an TP.HCM dự báo thời gian tới, lượng người ra đường sẽ còn đông hơn vì từ ngày 16.8, TP.HCM mở rộng thêm một số nhóm đối tượng được ra đường, gồm: Các cơ sở sản xuất thực phẩm; các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm; phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân... Riêng nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ giao hàng (shipper) có quản lý, ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP.Thủ Đức. Số lượng này đã hơn 50.000 lượt người mỗi ngày.
Cả nước có gần 30.000 công nhân viên chức, lao động nhiễm Covid-19. tại buổi họp báo trực tuyến do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 17.8, bà Vũ Thị Giáng Hương, Quyền trưởng ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết số ca nhiễm Covid-19 trong công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã lên tới 29.910 người (chiếm 11,44% tổng số ca nhiễm) trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có 99.884 CNVCLĐ đang là F1. Đến nay, có hơn 1,3 triệu người lao động (NLĐ) phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; 1.013 doanh nghiệp với 84.034 công nhân lao động vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất. Đáng chú ý, đã có 1,06 triệu đoàn viên, NLĐ tại 7.941 đơn vị, doanh nghiệp được tiêm vắc xin, trong đó có 437.433 người là công nhân lao động thuộc 921 doanh nghiệp.
4 quận, huyện của TP.HCM hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Sáng 17.8, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã có 4 quận, huyện gồm: Q.5, Q.11, Q.Phú Nhuận và H.Cần Giờ hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Trong ngày 16.8, TP.HCM có thêm 194.435 người dân ở 17 quận, huyện và TP.Thủ Đức tiêm vắc xin Covid-19 (trong đó, tuyệt đại đa số đều sử dụng vắc xin Vero Cell của Sinopharm). Như vậy, trong đợt 5 tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ ngày 22.7 đến hết ngày 16.8, TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 3,7 triệu người, tất cả đều an toàn. Tính tất cả các đợt, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 4,7 triệu người, bao gồm vắc xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell.
TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 6.400 người tại các cơ sở xã hội. Sáng 17.8, Bệnh viện 1A ra quân triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho hơn 6.400 người tại các cơ sở cai nghiện ma túy, bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Đây là các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội thuộc quản lý của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trên địa bàn TP.HCM, Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai, gồm: Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, Trung tâm công tác xã hội - giáo dục nghề thiếu niên TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Trung tâm bảo trợ trẻ em tàn tật mồ côi Thị Nghè; Cơ sở xã hội thanh thiếu niên 2, Cơ sở tư vấn và cai nghiện Bình Triệu...
TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) phong tỏa chặt, tạm dừng mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Ngày 17.8, ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, cho biết đã ban hành công văn về việc chia địa bàn TP.Mỹ Tho thành 3 khu vực để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chủ động toàn bộ những người thuộc đối tượng phải tầm soát Covid-19. Trong thời gian phong tỏa, tầm soát Covid-19, UBND TP.Mỹ Tho yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong khu vực phong tỏa tạm dừng mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch, cán bộ, công chức nhà nước đến làm việc tại cơ quan theo phương án phòng chống dịch Covid-19.
Ninh Thuận tổ chức xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. Tỉnh Ninh Thuận đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng nhằm đánh giá mức độ an toàn, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, các nhóm đối tượng được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, gồm: Tất cả người có triệu chứng nghi mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, hội chứng cảm cúm, mất khứu giác, viêm đường hô hấp, viêm phổi...; Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại cơ sở y tế và được cách ly theo dõi tại nhà sau khi ra viện; Tất cả những đối tượng thuộc diện cách ly theo quy định; Nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các cơ sở điều trị thuộc diện xét nghiệm sàng lọc; Nhóm người dân trong cộng đồng khu vực ổ dịch, khu vực đang phong tỏa, cách ly y tế; Nhóm nguy cơ cao để tầm soát, đánh giá tình hình dịch trong cộng đồng…
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, hơn 1,2 triệu người khó khăn ở TP.HCM chờ nhận hỗ trợ. Tại buổi triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết ngày 15.9, tổ chức tối qua (16.8), bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, cho biết theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM có hơn 1,2 triệu người dân đang gặp khó khăn cần nhận hỗ trợ. Nếu TP.HCM hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và giải quyết trước mắt cho 2 tuần (từ ngày 16 - 31.8) thì mỗi người cần 700.000 đồng, ước tính kinh phí cần khoảng 1.000 tỉ đồng và sẽ tăng thêm khi các quận báo cáo đầy đủ. Trước mắt, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tạm chi 24 tỉ đồng xuống 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức; mỗi đơn vị nhận 1 tỉ đồng (riêng TP.Thủ Đức 3 tỉ đồng) để chăm lo ngay cho những hộ quá khó khăn.
Bình luận (0)