Tình hình Covid-19 hôm nay 19.3: Người không thể tiêm vắc xin Covid-19 được dùng thuốc Evusheld

19/03/2022 19:24 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Cục Quản lý Bộ Y tế khuyến cáo, Evusheld là thuốc, không phải “siêu vắc xin”, được sử dụng cho người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào hiện có.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 150.606 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 18.3 đến 16 giờ hôm nay trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca trong nước (giảm 12.559 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 21.071 ca, Nghệ An 11.099 ca, Phú Thọ 6.681 ca, Hải Dương 4.938 ca, Lạng Sơn 4.713 ca, Tuyên Quang 4.598 ca, Lào Cai 4.587 ca, Đắk Lắk 4.466 ca, Vĩnh Phúc 3.990 ca, Hòa Bình 3.986 ca, Sơn La 3.652 ca, Bắc Ninh 3.612 ca, Bắc Giang 3.495 ca, Quảng Bình 3.280 ca, Thái Bình 3.231 ca, Yên Bái 3.152 ca.

Ngày 19.3: Công bố 424.729 ca Covid-19, 129.434 ca khỏi | Hà Nội 21.071 ca | TP.HCM 1.441 ca

Hôm nay, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 190.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 48.861 ca và Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 35.250 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh giảm 2.876 ca, Hà Nội giảm 2.507 ca, Phú Thọ giảm 1.361 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An tăng 1.131 ca, Bắc Giang tăng 772 ca, Hải Dương tăng 531 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 129.434 bệnh nhân khỏi bệnh. 3.691 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 77 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Quảng Nam 14 ca trong 3 ngày, Bình Thuận, Cao Bằng, Đắk Lắk mỗi nơi 4 ca, Bạc Liêu, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh và TP.HCM mỗi địa phương 3 ca, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nam, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Phú Yên, Thanh Hóa và Vĩnh Long mỗi tỉnh, thành 2 ca, Nam Định 2 ca trong 2 ngày.

Vắc xin Covid-19

reuters

Evusheld không phải "siêu vắc xin", không dùng cho F0. Cục Quản lý Dược Bộ Y tế vừa có thông tin khuyến cáo về thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld vừa được cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam. Bản chất, Evusheld gồm 11 liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và 1 liều kháng thể đơn dòng cilgavimab. Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ đánh giá thỏa đáng và sàng lọc chặt chẽ trước khi được xác định là đối tượng sử dụng phù hợp. Bộ Y tế khuyến cáo, một liều thuốc được chỉ định để dự phòng mắc bệnh Covid-19 trong thời gian ít nhất 6 tháng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi có cân nặng từ 40 kg trở lên với điều kiện các đối tượng này không nhiễm SARS-CoV-2 và không có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2. Các đối tượng dùng thuốc phải thuộc một số trường hợp như: suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có khả năng không tạo được đáp ứng miễn dịch thỏa đáng đối với vắc xin Covid-19; không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào hiện có...

Theo Bộ Y tế, hiện Evusheld chưa được cấp phép sử dụng ở đối tượng đang điều trị Covid-19, hoặc dự phòng sau phơi nhiễm Covid-19 ở những người đã tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2. Tại Việt Nam, Evusheld được cấp giấy phép nhập khẩu để sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh. Người bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh thông tin về tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc và cơ sở chỉ được sử dụng thuốc khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân. "Như vậy, Evusheld là thuốc, không phải là “siêu vắc xin”, không được phép sử dụng Evusheld để dự phòng Covid-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc xin", khuyến cáo của Bộ Y tế nêu rõ.

Tái nhiễm Covid-19 có được dùng thuốc Molnupiravir lần 2 không?

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi Covid-19. Ngày 19.3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trước tình hình trẻ em mắc Covid-19 tăng cao tại TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bắt đầu tiếp nhận cấp cứu, điều trị nội trú trẻ em mắc Covid-19. Theo đó, khoa Nhi A với 40 giường bệnh, có hệ thống phòng cách ly đúng tiêu chuẩn, hệ thống camera quan sát bệnh nhân nặng và hệ thống ô xy trung tâm đến giường bệnh nhân đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Trường hợp các bệnh nhi chuyển nặng hơn sẽ được chuyển đến khoa Cấp cứu tích cực chống độc trẻ em.

Với vai trò là bệnh viện tuyến cao nhất trong hệ thống điều trị Covid-19 tại TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 người lớn cũng như trẻ em. Trước đó, 3 bệnh viện nhi gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP, mỗi bệnh viện chuẩn bị 300 giường dành cho trẻ em mắc Covid-19, trong đó có 50 giường hồi sức.

Cà Mau chấn chỉnh hạn chế, yếu kém trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Ngày 19.3, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc về việc chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Theo UBND tỉnh Cà Mau, gần đây, một số trạm y tế xã, phường, thị trấn có biểu hiện lơ là, đùn đẩy trách nhiệm, người bệnh không được cấp thuốc điều trị nhưng cán bộ y tế không giải thích, hướng dẫn đến nơi, đến chốn. Từ đó, làm cho người bệnh lúng túng, bị động trong thực hiện quy định điều trị F0 tại nhà; một số người dùng mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc đối với cán bộ y tế, tạo ảnh hưởng không tốt cho công tác phòng, chống dịch.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai ngay một số nội dung như: Các trường hợp F0 khi đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà phải được cấp ngay túi thuốc điều trị Covid-19. Trường hợp không phát thuốc khi có chỉ định của cán bộ y tế hoặc vì lý do khách quan thì phải tư vấn, giải thích rõ cho người dân hiểu. Thuốc điều trị Covid-19 tại nhà phải đúng chỉ định của ngành y tế, khắc phục ngay tình trạng để người dân tự mua thuốc hoặc các F0 chia sẻ toa thuốc với nhau trong điều trị. Cần làm tốt hơn nữa việc liên hệ, kết nối điện thoại để F0 được chuyên gia tư vấn, cho toa thuốc điều trị kịp thời. "Xử lý nghiêm những cá nhân không tuân thủ quy định. Nếu vi phạm đến mức kỷ luật thì phải xem xét, xử lý kỷ luật, không được kiểm điểm rút kinh nghiệm", văn bản của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Trẻ mẫu giáo, tiểu học của tỉnh Vĩnh Long ở vùng cấp độ 3 trở lên học trực tuyến. Ngày 19.3, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết Sở vừa ban hành công văn triển khai phương án tổ chức dạy và học thích ứng, an toàn, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19. Theo đó, tất cả học sinh mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục ở vùng được phân loại cấp độ 1 (vùng xanh - nguy cơ thấp); ở các cơ sở giáo dục tại khu vực cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình), tất cả học sinh THCS, THPT và GDNN-GDTX học trực tiếp; học sinh tiểu học, mầm non học trực tiếp kết hợp trực tuyến; khu vực cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao), học sinh lớp 9, 12 học trực tiếp, học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 học trực tiếp kết hợp trực tuyến, học sinh tiểu học học trực tuyến.

Đối với trẻ mầm non không tổ chức dạy trực tiếp, mà dạy bằng các hình thức phù hợp và phối hợp gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà. Đối với các cơ sở giáo dục tại khu vực cấp độ 4 (màu đỏ - nguy cơ rất cao) chỉ có khối lớp 9 và 12 học trực tiếp, các khối lớp còn lại học trực tuyến và phối hợp gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà. Bà Trương Thanh Nhuận cho biết, từ ngày 7.2 - 17.3, tỉnh đã ghi nhận hơn 8.700 học sinh và giáo viên mắc Covid-19. Trong đó, có hơn 1.200 trường hợp được ghi nhận tại trường và hơn 1.300 trường hợp đã khỏi bệnh.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Cà Mau chấn chỉnh tình trạng tổng đài 1022 chống dịch Covid-19 “gọi không ai nghe máy”. Theo đó, Sở TT-TT Cà Mau có báo cáo về việc nhiều cuộc gọi đến tổng đài 1022 nhưng không ai bắt máy. Cụ thể, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phụ trách về phản ánh điều trị và phòng, chống dịch (“phím số 2” của tổng đài 1022) để xảy ra tình trạng nhiều cuộc gọi nhỡ do không bắt máy trong 1 ngày. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật chấn chỉnh ngay việc tiếp nhận các cuộc gọi từ tổng đài 1022, không để tình trạng này tái diễn, đảm bảo phân công người trực phù hợp để kịp thời cung cấp, giải đáp thông tin của người dân và tổ chức, phát huy hiệu quả của tổng đài 1022. Trước đó, để tiếp nhận thông tin phản ánh, giải đáp kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và phục vụ thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau đưa vào vận hành tổng đài dịch vụ công 1022. Tổng đài 1022 chính thức vận hành trên hệ thống từ 7 giờ ngày 18.10.2021. Để tương tác với tổng đài, người dân, doanh nghiệp ở Cà Mau có thể gọi 0290.1022. Sau đó, ấn phím 1 để phản ánh nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ấn phím 2 để phản ánh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ấn phím 3 để được hỗ trợ nội dung tư vấn sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.