Tình hình Covid-19 hôm nay 25.4: 38 tỉnh thành có dưới 100 ca mắc mới, TP.HCM chỉ còn 38 ca

25/04/2022 19:10 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Dịch bệnh hạ nhiệt, chỉ còn 13 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 200 ca bệnh; 38 địa phương ghi nhận số mắc mới dưới 100 ca, trong đó TP.HCM chỉ còn 38 ca.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 7.417 ca mắc trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 hôm qua 24.4 đến 16 giờ ngày hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.417 ca mắc trong nước (giảm 1.395 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố. 13 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 200 ca bệnh: Hà Nội 941 ca, Phú Thọ 493 ca, Quảng Ninh 411 ca, Yên Bái 410 ca, Nghệ An 400 ca, Hải Dương 394 ca, Lào Cai 330 ca, Tuyên Quang 282 ca, Thái Nguyên 278 ca, Gia Lai 261 ca, Vĩnh Phúc 255 ca, Thái Bình 212 ca, Bắc Kạn 203 ca.

Ngày 25.4: Công bố 8.270 ca Covid-19, 6.685 ca khỏi | Hà Nội 941 ca | TP.HCM 38 ca

38 địa phương ghi nhận số mắc mới dưới 100 ca: Bắc Ninh 96 ca, Hà Nam 87 ca, Quảng Trị 86 ca, Hòa Bình 77 ca, Vĩnh Long 74 ca, Ninh Bình 72 ca, Đà Nẵng 68 ca, Sơn La 64 ca, Bắc Giang 52 ca, Lai Châu 52 ca, Bình Dương 48 ca, Thanh Hóa 47 ca, Điện Biên 44 ca, Quảng Nam 42 ca, Bình Phước 42 ca, Tây Ninh 41 ca, Quảng Ngãi 38 ca, Phú Yên 38 ca, TP.HCM 38 ca, Đắk Nông 37 ca, Bình Định 32 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 32 ca, Bến Tre 30 ca, Cà Mau 18 ca, Sóc Trăng 16 ca, Bình Thuận 15 ca, Khánh Hòa 10 ca, Kiên Giang 9 ca, Thừa Thiên - Huế 9 ca, Long An 7 ca, Bạc Liêu 7 ca, Trà Vinh 5 ca, An Giang 4 ca, Đồng Nai 3 ca, Cần Thơ 3 ca, Hậu Giang 2 ca, Kon Tum 1 ca, Đồng Tháp 1 ca.

Hôm nay, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 853 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang giảm 488 ca, Quảng Bình giảm 115 ca, Quảng Ninh giảm 84 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương tăng 187 ca, Gia Lai tăng 96 ca, Hà Giang tăng 27 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 6.685 bệnh nhân khỏi bệnh. 664 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 56 ca thở máy xâm lấn và 1 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 8 ca tử vong. Trong đó Quảng Nam 4 ca; Bình Thuận, Đắk Lắk, Kiên Giang, Tây Ninh mỗi nơi 1 ca.

Giáo viên Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trấn an học sinh lúc tiêm vắc xin Covid-19

nhật thịnh

Phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật khi thanh tra việc mua sắm vật tư, thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 khi thanh tra Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM. Sáng 25.4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Giải trình một số vấn đề các thành viên Quốc hội nêu như mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, 12 dự án yếu kém ngành công thương hay dự án, quy hoạch treo,... Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, liên quan việc mua sắm phòng, chống Covid-19, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch.

Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ông Bảy cho hay, dự kiến trong tháng 5, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này. “Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5.2022”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ thông tin.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất mua 10.000 liều thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19

Đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại 8 UBND tỉnh, thành liên quan vụ Việt Á. Ngày 25.4, Ủy ban Kiểm tra T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú cho biết, trong 3 tháng đầu năm, ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 297 tổ chức đảng và 921 đảng viên. Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Tú đề nghị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các tỉnh thực hiện thật nghiêm túc chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.

“Trước mắt, kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vụ án tại Công ty Việt Á”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhấn mạnh. Theo ông Trần Cẩm Tú, hiện Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thành lập các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ KH-CN, Bộ Y tế và 8 Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, thành. Đồng thời, chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan vụ việc Việt Á. Nhấn mạnh vụ Việt Á là vụ việc hết sức phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, dư luận xã hội hết sức quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu phải tiến hành kiểm tra hết sức thận trọng, khách quan, kịp thời, đồng bộ, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, rõ đến đâu, kết luận đến đấy, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy và cố gắng kết thúc trong quý 2/2022.

Hết thuốc kháng vi rút Molnupiravir, Sở Y tế TP.HCM đề xuất mua 10.000 liều. Ngày 25.4, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM xem xét chủ trương về việc cung ứng thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM cho phép Sở chọn một cơ sở y tế để thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc Molnupiravir cho TP từ nguồn kinh phí phòng chống dịch. Số lượng dự kiến là 10.000 liều thuốc Molnupiravir để cấp phát theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (liều sử dụng 1.600 mg Molnupiravir/ngày x 5 ngày điều trị). Trong thời gian thực hiện hợp đồng với nhà thầu, số lượng mua thực tế sẽ tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.

Nguồn thuốc này sẽ được phân bổ đến trạm y tế, trạm y tế lưu động để tiếp tục cấp phát miễn phí cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế. Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà có thể tự chi trả chi phí sử dụng thuốc bằng cách mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc Molnupiravir nếu không có nhu cầu sử dụng thuốc cấp phát miễn phí. Việc cấp miễn phí thuốc Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà là phù hợp với quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, số lượng thuốc Molnupiravir miễn phí do Bộ Y tế cung cấp theo chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 đã hết và TP.HCM chưa có nguồn thuốc khác thay thế để cấp phát cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.

Chưa thống nhất được giấy tờ cho phép F0 hưởng chế độ BHXH. Theo Bộ LĐ-TB-XH, đầu tháng 3, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng BHXH, gồm: quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; giấy xác nhận bị mắc Covid-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, tổ Covid cộng đồng, y tế cơ quan, doanh nghiệp; quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các bệnh viện dã chiến.

Bộ LĐ-TB-XH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Thông tư 56 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành luật BHXH và luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế để bổ sung quy định về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động. Việc xem xét quy định các loại giấy tờ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, trong 7 loại giấy trên 2 bộ đã thống nhất thì 5 loại là do cơ sở y tế ban hành là phù hợp với thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Đối với 2 loại giấy tờ không do cơ sở y tế cấp là quyết định cách ly tại nhà và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly đều do chính quyền địa phương cấp, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Bộ Y tế có thể hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào 2 loại giấy tờ này để cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Chưa thống nhất giấy tờ cho phép người mắc Covid-19 hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, 1 bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 trong thời gian 20 ngày. Bệnh nhân 31 tuổi, là 1 nữ nhân viên y tế ở Tây Ban Nha, đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin (mũi 3 tiêm vào ngày 8.12.2021). Cô có kết quả dương tính sau khi xét nghiệm sàng lọc PCR tại nơi làm việc vào ngày 20.12.2021, theo nhật báo The Guardian (Anh). Cô không xuất hiện triệu chứng và tự cách ly tại nhà trong 10 ngày. Sau khoảng thời gian này, cô trở lại làm việc. Tuy nhiên, vào ngày 10.1.2022, tức 20 ngày sau lần nhiễm đầu tiên, cô lại có triệu chứng ho và sốt. Kết quả xét nghiệm PCR lại cho kết quả dương tính. Giải trình tự gien cho thấy cô đã nhiễm 2 biến thể khác nhau ở 2 lần nhiễm. Lần đầu là biến thể Delta, lần thứ 2 là biến thể Omicron. Omicron có khả năng lây lan mạnh hơn và có thể tránh được hàng rào miễn dịch của những người đã tiêm vắc xin hay từng khỏi bệnh trước đó. Tái nhiễm Covid-19 không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, phần lớn các ca tái nhiễm đều xảy ra 90 ngày sau lần nhiễm đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.