Sáng 24.12, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đánh giá công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất là thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Đồng thời, những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu. Các thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư phát biểu tại hội nghị báo chí toàn quốc |
nguyên vũ |
Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí. Vào tháng 7.2022, Bộ TT-TT ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,8 tỉ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo.
“Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí”, ông Lâm nhận định.
Tránh tình trạng 'báo hóa' nghị quyết
Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn; một số sở TT-TT chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn; vai trò của hội nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Nhiều cơ quan chủ quản, nhất là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp buông lỏng trong quản lý, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin cũng như đầu tư cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.
Một vấn đề đáng lo ngại khác được ông Trần Thanh Lâm nêu ra là tình trạng “báo hóa” tạp chí, các biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình. Việc quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết còn lỏng lẻo, dễ dẫn đến sai sót; vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn.
Toàn cảnh hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 |
nguyên vũ |
“Việc quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, chính quyền tại địa phương. Có trường hợp vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp”, ông Lâm nói.
Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư gợi mở một số vấn đề cần tập trung trao đổi như cách tiếp cận và tuyên truyền sinh động các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tránh tình trạng “báo hóa” nghị quyết khi chỉ đưa, trích đưa một số nội dung các nghị quyết, kết luận.
Theo ông Trần Thanh Lâm, việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến, được coi là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung này thiếu sinh động trong nội dung và cách thức thông tin. Nhiều cơ quan báo chí thường chỉ đưa, trích đưa một số nội dung các nghị quyết, kết luận, hay gọi là “báo hóa” nghị quyết.
“Vậy làm thế nào, phương thức nào để việc thông tin, tuyên truyền các nội dung này một cách phong phú, sinh động, để người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ làm theo”, ông Lâm đặt vấn đề, và nhấn mạnh đây là trách nhiệm của các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó là tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; liên kết báo chí tăng nguồn thu và tái đầu tư cho nhiệm vụ tuyên truyền chính trị; tuyên truyền về văn hóa, nghệ thuật tương xứng với kinh tế, xã hội; chấn chỉnh xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí; tháo gỡ khó khăn khi quy hoạch báo chí…
Bình luận (0)