Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở H.Ân Thi (Hưng Yên), như bao lớp thanh niên lớn lên trong chiến tranh, năm 18 tuổi, ông Nguyễn Văn Phiệt viết đơn xin nhập ngũ. Từ một chiến sĩ radar, ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ trong quân đội. Trước khi về hưu, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (bìa phải) trong một lần về tặng quà và cấp thuốc miễn phí tại Trung tâm nhân đạo Hồng Đức (Bắc Ninh) |
NHÂN VẬT CUNG CẤP |
Hơn 40 năm binh nghiệp, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là thương binh hạng 3/4, đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh lịch sử trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào năm 1972.
Năm 2001, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt về nghỉ hưu, song vị anh hùng không an phận tuổi già. Ông và các đồng đội lại tiếp tục bắt tay hỗ trợ, giúp trẻ em tật nguyền, mồ côi, con em thương binh, đặc biệt là trẻ em nhiễm chất độc da cam dioxin… tự tin đứng lên trong cuộc sống.
Vị trung tướng chia sẻ: “Khi về hưu, tôi có nhiều thời gian đến các miền quê thăm đồng đội, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Chứng kiến gia cảnh các cựu chiến binh có con em tật nguyền do di chứng da cam khiến tôi không cầm được nước mắt. Sau đó, tôi bàn với anh em bạn bè là cán bộ quân đội, công an đã nghỉ hưu xin Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập trung tâm thu nhận, giúp đỡ các con, em của các thương bệnh binh, là nạn nhân chất độc da cam”.
Ở tuổi 84, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt vẫn khỏe mạnh, luôn hăng hái trong các hoạt động từ thiện |
THU HẰNG |
“Tôi sẽ làm từ thiện đến hơi thở cuối cùng”
Năm 2005, Trung tâm nhân đạo Hồng Đức ra đời với nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, cựu chiến binh nghèo, con em gia đình thương binh, liệt sĩ. Không giống nhiều giám đốc khác, vị tướng già khi đó gần 70 tuổi không nhận lương, thậm chí ông còn phải lấy lương hưu, rút tiết kiệm hàng trăm triệu đồng và kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh.
“Vất vả nhất là lúc trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động từ con số 0: không trụ sở, không kinh phí hoạt động. Chúng tôi tự thân vận động, mượn trụ sở, xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cùng “góp gió thành bão”; đồng thời liên lạc với Hội Chữ thập đỏ các địa phương để nhận trẻ em bị di chứng do chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh, trẻ em khuyết tật tại các tỉnh, thành phía bắc đưa về trung tâm”, ông Phiệt kể.
Không chỉ được chăm sóc về sức khỏe, khi vào “ngôi nhà chung”, để các em không còn tự ti, có thể nuôi sống bản thân, lập nghiệp sau này, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt với vai trò là giám đốc đã quyết định mở các lớp học dạy may, thêu, sửa chữa xe… Tuy nhiên, do sức khỏe của học viên không thể theo các lớp học cần sự tỉ mỉ, khéo léo, nên sau này trung tâm tập trung giảng dạy, đào tạo nghề may.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (bìa phải) cùng kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 |
TƯ LIỆU |
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại: “Chúng tôi đi xin từng chiếc máy may, máy thêu cũ từ các công ty may ở Thái Bình, Bắc Ninh, rồi thuê thầy về cầm tay chỉ việc cho các em. Với những người bình thường, nhanh nhẹn chỉ cần học 3 - 6 tháng là biết việc, nhưng với các em khuyết tật thì có khi phải mất cả năm trời”.
Đến nay, sau 17 năm hoạt động, đã có hàng nghìn mảnh đời bất hạnh được Trung tâm nhân đạo Hồng Đức giúp đỡ, hỗ trợ. Từ một cơ sở tại Hà Nội, trung tâm đã phát triển thành 3 cơ sở (2 ở Hà Nội và một ở H.Lương Tài, Bắc Ninh). Không phụ tấm lòng của những người thầy, đã có hơn 200 học viên tốt nghiệp, nhiều em được giới thiệu vào làm việc tại nhà máy của quân đội; nhiều em về quê lập nghiệp, làm việc trong các khu công nghiệp, thậm chí một số em còn tự mở cửa hàng may.
Hằng năm vào các dịp tết và ngày 27.7, trung tâm phối hợp với các đoàn y bác sĩ, nhà hảo tâm đi tặng quà, phát thuốc, khám chữa bệnh cho thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi…
Do tuổi cao, từ năm 2015, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt giao lại chức Giám đốc Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho đại tá Trần Mạnh Hiến, nguyên Phó giám đốc Học viện Phòng không - Không quân, song ông vẫn được đồng đội tín nhiệm bầu làm chủ tịch của trung tâm. Thời gian rảnh rỗi, ông vẫn cùng đồng đội đến thăm trẻ em thiếu may mắn, những mảnh đời bất hạnh tại các trung tâm.
“Tôi sẽ làm từ thiện đến hơi thở cuối cùng. Làm từ thiện đừng nghĩ cho riêng mình, mà phải có cái tâm trong sáng và có trách nhiệm. Nếu chỉ nghĩ việc mình làm tốn kém tiền bạc, thời gian thì sẽ không bao giờ làm được. Điều tôi thấy hạnh phúc nhất là giờ đây các em, các cháu khuyết tật đã không còn mặc cảm, tự ti, các em có thu nhập tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho gia đình, xã hội. Dù không trực tiếp đứng lớp, nhưng các em trưởng thành, ra đời lập nghiệp vẫn nhớ và gọi tôi là thầy”, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt tâm niệm.
Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh
Là người đồng đội luôn sát cánh với trung tướng Nguyễn Văn Phiệt trong các hoạt động từ thiện, đại tá Trần Mạnh Hiến, hiện là Giám đốc Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, bày tỏ sự kính trọng khi nhắc tới vị tướng già. Ông Hiến chia sẻ: “Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và là thương binh, nhưng khi về hưu, dù tuổi cao, trong mình mang thương tật, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Trong con người ông có đủ “dũng, trí, nhân và tâm”, từ cán bộ chiến sĩ đến các học viên của trung tâm đều quý mến và lấy đó làm tấm gương sáng trong cuộc sống”.
Chị Chang Thị Sê (27 tuổi, dân tộc Mông ở H.Tủa Chùa, Điện Biên), hiện là công nhân may tại Công ty CP may X19, xúc động kể: “Nhà tôi có 5 anh chị em, tôi là thứ 2, bị khuyết tật mất 1 chân. Ở quê, tôi giống như một người bỏ đi, không ai muốn thuê một người khuyết tật để làm việc. Thế rồi tôi đi học may ở Hà Nội, được các thầy của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho ăn, học và tìm việc. Hiện tôi làm công nhân may với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng, tuy không nhiều nhưng tôi rất hài lòng và biết ơn thầy Phiệt, thầy Hiến”.
Cô gái Lò Thị Diên (21 tuổi, quê ở H.Điện Biên, Điện Biên) cũng là một người khuyết tật may mắn được trung tâm cưu mang. Cô bộc bạch: “Cả mẹ và tôi đều là người khuyết tật, đi lại rất khó khăn nên cũng không được học hành đến nơi đến chốn, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, sống bằng sự trợ giúp của người thân. Khi về Hà Nội, tôi như được sống một cuộc đời khác, ngoài có công ăn việc làm ổn định, tôi may mắn tìm được người bạn đời cùng là học viên của trung tâm. Đến nay, gia đình nhỏ của tôi đã có thêm cậu con trai kháu khỉnh. Tôi luôn biết ơn các thầy! Họ như người cha sinh ra chúng tôi lần thứ hai, giúp chúng tôi tự tin đứng lên giữa cuộc đời và trưởng thành như ngày hôm nay”.
(còn tiếp)
Tỏa sáng giữa đời thường
Bình luận (0)