Tội phạm chiến tranh 95 tuổi này vẫn đấu tranh vì điều gì?

10/08/2020 19:33 GMT+7

Với mọi người, cụ ông Lee Hak-rae (95 tuổi) chỉ là một người cao tuổi tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đã 75 năm trôi qua nhưng những sự kiện tàn bạo khi xưa vẫn phủ bóng lên cuộc đời ông Lee, người cuối cùng của một nhóm người Hàn Quốc có vai trò phức tạp trong Thế chiến 2, và ông vẫn đang đấu tranh để được công nhận.

Ông Lee Hak-rae là người cuối cùng trong một nhóm người Hàn Quốc có vai trò phức tạp trong Thế chiến thứ 2, và ông vẫn đang đấu tranh để được công nhận. 75 năm trước, ông Lee được biết đến với một cái tên khác: Kakurai Hiromura. Năm 1942, khi Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, ông Lee, khi đó 17 tuổi, được tuyển vào quân đội thời chiến của Tokyo. Sau đó, ông bị xem là tội phạm chiến tranh trong Thế chiến thứ 2.
Nhưng sau khi Nhật Bản chấm dứt chiếm đóng bán đảo Triều Tiên sau chiến tranh kết thúc, ông và nhiều người Hàn Quốc khác chiến đấu cho Tokyo đã bị phủi tay từ chối bởi cả Nhật Bản - và Hàn Quốc, nơi ông Lee lo sợ mình sẽ bị coi là kẻ phản bội. “Tội phạm chiến tranh người gốc Hàn Quốc hay Đài Loan không được công nhận và đối xử bình đẳng như người Nhật, mặc dù chúng tôi cũng là tội phạm chiến tranh như họ. Đó là điều chúng tôi muốn nói đến nhất. Nhưng người Nhật giả vờ không biết”, ông Lee nói.

Lee Hak-rae, người từng làm bảo vệ tại một trại tù binh do Quân đội Đế quốc Nhật Bản điều hành ở Thái Lan trong Thế chiến thứ hai, chụp ảnh tù nhân để làm hồ sơ xét xử sau khi bị giam giữ vào năm 1946

Reuters

Ông Lee là người đã giám sát khoảng 500 tù binh quân Đồng minh xây dựng một tuyến đường sắt giữa Thái Lan và xứ sở khi đó có tên Miến Điện, Tuyến đường này khét tiếng là “Đường sắt tử thần”, đã được rất nhiều người biết đến nhờ bộ phim “Cầu sông Kwai”.
Hồ sơ tòa án cho thấy các tù nhân mô tả Lee, người còn có biệt danh là Thằn lằn, là một trong những lính canh tàn bạo nhất trên công trường. Ông Lee bác bỏ các tố cáo về hành vi tàn bạo, và nói rằng người Hàn Quốc ở nấc thang thấp nhất trong quân đội Nhật Bản, và họ chỉ đơn thuần là chấp hành mệnh lệnh.
Ông bị kết án tử hình cùng với các tội phạm chiến tranh khác ở tuổi 23, nhưng bản án của ông đã được giảm nhẹ - và năm 1956, ông được trả tự do trước thời hạn ở Tokyo. Gần 1/4 triệu người Hàn Quốc đã chiến đấu bên phía quân đội Nhật Bản. Nhưng họ không được công nhận là cựu quân nhân ở Nhật Bản. Tội phạm chiến tranh Nhật Bản đủ điều kiện nhận lương hưu - lên đến 41.000 USD/năm nhưng người gốc Hàn Quốc lại không được nhận ưu đãi này.

Ông Lee Hak-rae cầm một bản sao bức ảnh được chụp tại trại tù binh do Quân đội Đế quốc Nhật Bản điều hành ở Thái Lan năm 1942

Reuters

Năm 1999, Tòa án Tối cao Nhật Bản bác bỏ yêu cầu bồi thường của ông Lee và các tội phạm chiến tranh Hàn Quốc khác. Đó là điều mà nhà sử học Robert Cribb tại Đại học Quốc gia Úc cho rằng là không công bằng. “Những người Hàn Quốc bị kết án tội ác chiến tranh đã có một khoảng thời gian khủng khiếp sau chiến tranh vì họ bị những người Hàn Quốc khác coi là tay sai. Nhưng họ không được chính phủ Nhật Bản công nhận là cựu chiến binh. Vì vậy, họ bị mắc kẹt ở hố đen chính giữa.”
Năm 2006, Hàn Quốc công nhận họ là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản nhưng không bồi thường cho những người sống ở Nhật Bản. Ông Lee vẫn tiếp tục vận động. Ông đã xuất hiện trước quốc hội Tokyo vào tháng 6 để kêu gọi giúp đỡ các tội phạm chiến tranh Hàn Quốc và gia đình của họ. “Tôi đã may mắn sống đến năm 95 tuổi. Tôi không muốn sống lâu hơn cho bản thân mình nhưng tôi không thể ngừng chiến đấu cho những đồng đội đã chết của mình”, ông Lee chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.