Bỏ trống trận địa

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/07/2019 06:00 GMT+7

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) dự báo quy mô của ngành thương mại điện tử VN năm 2020 có thể lên mức 13 - 15 tỉ USD, vượt xa con số dự báo trước đó là sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD.

Con số này của năm 2018 là 8 tỉ USD, tăng trưởng tới hơn 30% so với năm trước đó. Thế nhưng, đi cùng với tốc độ phát triển rất nhanh của kinh tế số là nạn hàng giả, hàng nhái trên mạng cũng tràn lan, số lượng người nếm trái đắng khi mua hàng qua chợ điện tử cũng tăng lên.
Đến Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách lĩnh vực quản lý thị trường phải thốt lên trong một hội thảo về chống hàng giả trên thương mại điện tử là “hoa mắt khi vào mạng để tìm một sản phẩm thương hiệu nổi tiếng”.
Tuy nhiên, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của các ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái (Ban 389) và Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm (Ban 138) diễn ra sáng qua (25.7), những thông tin liên quan đến công tác đấu tranh với trận địa chống hàng giả, hàng nhái trên mạng lại khá mờ nhạt. Ngoại trừ đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua môi trường mạng ngày càng phổ biến, phức tạp cũng như còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh với tình trạng này, báo cáo của Ban 389 cũng như các tham luận khác gần như không hề nhắc tới.
Báo Thanh Niên đã nhiều lần có các tuyến bài cảnh báo về các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là nguy cơ nơi này trở thành điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Có thể kể đến như bài phản ánh việc trang thương mại điện tử Shopee rao bán đồ chơi giáo dục có bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc. Ngay sau bài báo, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kiểm tra nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức yêu cầu website này gỡ bỏ các thông tin quảng bá về sản phẩm sai phạm.
Tiếp đó, rất nhiều tuyên bố của cơ quan chức năng đã được đưa ra, như phải cột trách nhiệm của sàn giao dịch điện tử khi phát hiện hàng hóa sai phạm, hay thậm chí là phải đánh sập website rao bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm pháp luật… Tuy nhiên, hôm qua 25.7, khi vào Google để tìm từ khóa “xử phạt vi phạm thương mại điện tử” thì thông tin mới nhất hiển thị là tin “50 website bị xử phạt”, nhưng là từ 4 năm trước. Lý do bị xử phạt cũng phần lớn do không khai báo hoạt động với cơ quan quản lý chứ không phải là vì đây là nơi cung cấp hàng giả, hàng không đúng xuất xứ, chất lượng.
Gần 4 tháng trôi qua, tính từ ngày Chánh văn phòng 389 công bố: “Ban 389 đã xây dựng kế hoạch chuyên đề chống kinh doanh hàng giả trên thương mại điện tử, đang được lấy ý kiến các bộ ngành và dự kiến sẽ được ban hành sớm”. Tuy nhiên, kế hoạch chuyên đề này cũng không thấy được đề cập trong hội nghị ngày 25.7. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo có trách nhiệm cũng chỉ cho biết rằng “lực lượng này cũng đã mong chờ bản kế hoạch được thông qua từ lâu, song vẫn phải chờ vì... đang thẩm định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.