Cảnh báo, rồi sao nữa?

Lê Quân
Lê Quân
16/12/2019 04:39 GMT+7

Liên tục cảnh báo ô nhiễm không khí nhưng dường như biện pháp duy nhất chỉ được cơ quan chức năng khuyến cáo là người dân hạn chế ra ngoài, mang khẩu trang và đóng kín cửa.

Một số ứng dụng quan trắc do các đơn vị, tổ chức phi chính phủ đầu tư như PAM Air, Air Visual và Đại sứ quán Mỹ... cũng thường xuyên cho kết quả cảnh báo chất lượng không khí ở mức xấu, kém, cực kỳ không tốt cho sức khỏe, thậm chí là mức nâu - nguy hiểm.
Nhiều lần, ứng dụng Air Visual (Tổ chức Đo chất lượng không khí thế giới) xếp hạng 2 TP lớn nhất Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội đứng nhóm chất lượng không khí xấu nhất, đặc biệt là Hà Nội, không ít lần bị xếp hạng “đội sổ” chất lượng không khí thế giới.
Tại TP.HCM, tác nhân chính được xác định là xe máy, còn ở Hà Nội, nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí được xác định khá rộng: hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp, đốt rơm rạ... thường xuyên tạo ra lượng phát thải. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Cộng thêm "điều kiện đủ" là hiện tượng nghịch nhiệt, lượng mưa ít... đã góp phần làm nên "kỷ lục" về chất lượng không khí xấu nhất.
Nguyên tắc giải quyết luôn là muốn có phương án thì phải tìm ra nguyên nhân. Hai TP lớn nhất cả nước cũng đã chỉ rõ các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Vậy, vấn đề là giải pháp tổng thể và hành động quyết liệt như thế nào từ phía chính quyền, cơ quan chức năng, thay vì chỉ cảnh báo rồi khuyến cáo người dân tự phòng vệ, hay trông chờ chất lượng không khí tự cải thiện.
Điều người dân cần là chất lượng không khí phải được cải thiện một cách chủ động, để yên tâm sinh sống, học tập, làm ăn. Chính quyền, cơ quan chức năng hay người có trách nhiệm phải thực sự thấy sốt ruột vì ô nhiễm không khí và phải quyết liệt tìm đủ mọi biện pháp hiệu quả để khắc phục, giải quyết. Thực tế đã có nhiều TP lớn trên thế giới bằng những giải pháp quyết liệt và cụ thể của mình đã trong một thời gian rời khỏi bảng xếp hạng top các TP ô nhiễm không khí.
Còn tại Hà Nội và TP.HCM và bây giờ là cả một số tỉnh ở khu vực phía bắc, nếu tình trạng ô nhiễm không khí không được cải thiện, không chỉ an toàn sức khỏe của người dân sẽ bị đe dọa mà cả môi trường đầu tư, phát triển du lịch... cũng sẽ sớm phải lĩnh hậu quả.
Đến lúc chất lượng không khí không phải chỉ là cảnh báo nguy hiểm mà cần một loạt các hành động lẫn chính sách tức thời như đáp ứng trước một tình trạng khẩn nguy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.