Đã đến lúc phải có khởi kiện tập thể

19/10/2019 07:07 GMT+7

Qua những vụ việc như Rạng Đông, nước sông Đà, chúng ta thấy một nhu cầu rất lớn của xã hội trong việc giải quyết các tranh chấp tập thể.

Tranh chấp tập thể sẽ phát sinh khi một bên gây thiệt hại cho nhiều cá nhân, tổ chức cùng một lúc.
Tranh chấp loại này thường nảy sinh trong hai lĩnh vực chính là bảo vệ môi trường, khi một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình xung quanh, như vụ việc Rạng Đông; hoặc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi một bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại cho rất nhiều khách hàng, như vụ việc nước sông Đà.
Bên gây thiệt hại cần phải bồi thường, nhưng hệ thống tố tụng của VN chưa có cơ chế thích hợp để giải quyết những yêu cầu này. Bộ luật Tố tụng dân sự mới chỉ có quy định về giải quyết tranh chấp tập thể trong lĩnh vực lao động, mà chưa mở rộng ra những lĩnh vực khác như môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 42 của bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về nhập vụ án. Tuy nhiên, việc nhiều vụ án có được nhập vào với nhau hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tòa án, chứ không dựa trên nhu cầu của người khởi kiện.
Kể cả trường hợp nhiều người khởi kiện cùng ủy quyền cho một luật sư thì luật sư đó vẫn cứ phải nộp nhiều đơn kiện và tòa án vẫn thụ lý từng vụ việc độc lập. Sau đó, có tiến hành nhập các vụ án hay không vẫn là quyền của tòa. Thời gian kéo dài, chi phí tốn kém để theo đuổi những vụ kiện đơn lẻ như vậy khiến những người chịu thiệt hại nản lòng.
Có lẽ, đã đến lúc pháp luật VN cần có một cơ chế giải quyết tranh chấp tập thể.
Thứ nhất, khi nhận một đơn khởi kiện trong lĩnh vực môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, tòa án sẽ phải phát một thông báo rộng rãi về việc này. Điều này giúp cho những người bị thiệt hại tương tự biết đến vụ việc và có thể đăng ký tham gia làm bên nguyên đơn.
Thứ hai, người chịu thiệt hại không cần chuẩn bị toàn bộ hồ sơ khởi kiện mà chỉ cần khai một mẫu đăng ký có sẵn và tài liệu chứng minh mình cũng thuộc phạm vi chịu thiệt hại từ vụ việc. Kể cả khi tiến trình tố tụng đã bắt đầu, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì một người mới cũng có thể tham gia vào bên nguyên nếu chứng minh được mình cũng là đối tượng chịu thiệt hại.
Thứ ba, tập thể bên nguyên đơn sẽ chọn ra người đại diện cho mình, và người này sẽ đại diện cho tất cả những người đã chịu thiệt hại từ vụ việc. Một số quốc gia có giới hạn số người đại diện không quá 3 người. Tại một số nước, tòa án sẽ có người hỗ trợ bên nguyên cử đại diện cho phù hợp.
Thứ tư, bên bị chỉ được phép tiếp xúc với người đại diện của bên nguyên chứ không được phép tiếp xúc trực tiếp với từng cá nhân đơn lẻ của bên nguyên. Quy định này khiến bên bị buộc phải đối đầu với cả bó đũa, chứ không thể bẻ từng cái đũa.
Việc giải quyết các tranh chấp thông qua tòa án là biểu hiện của một xã hội văn minh. VN cần hướng tới sự văn minh bằng cách đưa ra những cơ chế phù hợp để giải quyết những loại tranh chấp mới đang phát sinh ngày càng nhiều trong xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.