Tuy nhiên, vụ mua thông tin tài khoản ngân hàng rồi rút tiền tỉ của doanh nghiệp (DN) mà Công an Phú Thọ triệt phá mới đây cho thấy, nếu vẫn coi thường, buông lỏng việc này, hệ quả rất khó lường.
Lâu nay chuyện tiền trong tài khoản ngân hàng (NH) bốc hơi chủ yếu là do khách hàng sơ sẩy bị kẻ gian đánh cắp thông tin, truy cập tài khoản, rút trộm tiền. Thế nhưng vụ DN bị mất hơn 3 tỉ đồng trong tài khoản tại NH TMCP Công thương Việt Nam lần này nguyên nhân lại xuất phát từ bên trong, do nhân viên của chính NH này bán thông tin tài khoản ra ngoài rồi kẻ xấu dựa vào đó thực hiện các hành vi gian lận, rút tiền của khách hàng.
Chuyện này thực ra cũng không mới, cách đây gần 7 năm, một nhân viên NH đã bị xử tù vì bán thông tin khách VIP. Hay hồi đầu năm nay, dư luận cũng sốc và lo lắng trường hợp trưởng phòng giao dịch một NH trên địa bàn Hà Nội đã cấu kết với các đối tượng bên ngoài, tuồn thông tin thẻ tiết kiệm của khách hàng để làm giả giấy tờ và rút tiền. Hổng từ bên ngoài, hổng do công nghệ bảo mật thì còn có thể nâng cấp chứ hổng từ bên trong, hổng đúng “chốt chặn” thì rất khó “trám”, và thiệt hại nặng nề hơn nhiều.
Thế nhưng đây là hệ quả của cả một quá trình chúng ta coi thường việc lộ và mua bán thông tin cá nhân.
Còn nhớ vụ lộ thông tin đi máy bay mấy năm trước. Khách hàng cứ mua vé xong, tới ngày đi là nhận được tin nhắn quảng cáo dịch vụ đưa rước khách, giá cả ở điểm đến. Vụ này khá ồn ào, dư luận bức xúc, truyền thông lên tiếng, cơ quan có thẩm quyền cũng vào cuộc. Nhưng tuyên bố tới lui rồi mọi cái chìm vào quên lãng, chẳng có ai bị xử phạt, chẳng ai chịu trách nhiệm. Đến bây giờ, mọi chuyện vẫn vậy.
Thế nên các vụ mua bán danh sách cá nhân, tổ chức, theo nhóm ngành nghề, tuổi đời... công khai trên mạng riết rồi chẳng còn ai quan tâm, cả đơn vị có trách nhiệm lẫn nạn nhân. Chỉ cần gõ từ khóa “mua thông tin cá nhân” hay “danh sách khách hàng” lên Google, lập tức có ngay hàng loạt trang điện tử hoặc tài khoản Facebook rao bán đủ loại “data” cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, email, ngành nghề, chức vụ và thậm chí cả thu nhập hay số dư tài khoản NH…
Việc lộ và mua bán thông tin cá nhân dễ dàng, tràn lan mà không xử lý không chỉ khiến người dân bị tấn công bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác mà còn kích thích kẻ xấu tìm cách ăn cắp thông tin cá nhân trục lợi. Vụ NH nói trên là điển hình.
Năm 2018, Facebook đã phải đối mặt với vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử khi làm rò rỉ thông tin của hơn 50 triệu người dùng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới rơi vào chuỗi ngày khủng hoảng, liên tục bị chất vấn, phải giải trình trước quốc hội Mỹ, giá cổ phiếu liên tục sụt giảm... Điều đó cho thấy, thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng và sẽ rất nguy hiểm nếu bị rơi vào tay tội phạm mạng. Ở Việt Nam, nhiều vụ giả danh công an, viện kiểm sát lừa tiền tỉ... nguyên nhân từ lộ thông tin cá nhân. DN bị mất hơn 3 tỉ đồng trong tài khoản nói trên... do thông tin bị lộ. Nguy cơ bị đe dọa tống tiền, bắt cóc... cũng có thể xảy ra từ lỗ hổng này.
Nếu chúng ta vẫn coi nhẹ chuyện lộ thông tin, nếu việc mua bán thông tin cá nhân vẫn không được cơ quan chức năng điều tra xử lý đến cùng thì hệ quả chắc chắn sẽ không dừng ở chuyện mất tiền.
Bình luận (0)