Nhưng sự thực mà nói, “bêu tên” có vẻ là một giải pháp rất “bất lực”, vì từ nhiều năm nay cách này vẫn được làm đều, nhưng số nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn cứ tháng này tăng hơn tháng trước, năm sau nhiều hơn năm trước. Các hành vi thì ngày càng phức tạp hơn.
Trốn đóng và gian lận về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ gây thiệt hại về quyền lợi của người lao động mà còn gây thâm hụt cho các quỹ mang tính chất an sinh này. Hậu quả của hành vi này dẫn đến những rối loạn trong lĩnh vực bảo hiểm. Nhà nước sẽ không thu được đủ số tiền cần phải thu từ những người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Do vậy, đó thực sự là một hành vi phạm tội, chứ không phải là các vi phạm hành chính thông thường để mà áp dụng các biện pháp mang tính hành chính như phạt hoặc “bêu tên”.
Không riêng 500 đơn vị bị “bêu tên” của Hà Nội vừa công bố mà theo BHXH VN, tính đến cuối tháng 7.2019, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là trên 6.000 tỉ đồng, với hơn 55.000 đơn vị nợ đọng và đối tượng bị tác động là hàng trăm nghìn người lao động. Như đã nói, số tiền nợ đọng không quá lớn, nhưng hậu quả của nó với an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động thì không nhỏ.
Có rất nhiều lý do đưa ra cho hành vi trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn là cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền BHXH. Một công bố hồi đầu tháng 9 của BHXH VN rất đáng chú ý, khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với số nợ đọng khoảng hơn 2.171 tỉ đồng, thì chỉ trong một thời gian rất ngắn các đơn vị này đã nộp 1.461 tỉ (67%). Thậm chí, tại Quảng Ninh, sau khi BHXH chuyển hồ sơ 7 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật, thì một số doanh nghiệp lập tức trả nợ.
Cho nên, lý do không đóng BHXH do doanh nghiệp khó khăn, do mất khả năng thanh toán, do giải thể, phá sản… chỉ là che giấu cho hành vi cố tình chiếm dụng tiền BHXH của người lao động, chiếm dụng quỹ BHXH. Và đó là hành vi không thể nương tay.
Với Nghị quyết 05 ngày 15.8.2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng điều 214 (tội gian lận BHXH, BHTN), điều 215 (tội gian lận BHYT), điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động) Bộ luật Hình sự, sẽ không còn lý do gì để nói rằng quy định về xử lý trách nhiệm hình sự các pháp nhân gian lận BHXH chung chung, khiến việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra gặp khó khăn.
Hy vọng, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH cũng như việc thu hồi nợ đọng sẽ không còn là việc “bắt cóc bỏ đĩa” như lâu nay.
Bình luận (0)