Không phải thiên đường

Vũ Hân
Vũ Hân
29/10/2019 04:19 GMT+7

Điều gì khiến một cô gái trẻ bỏ lại gia đình , bắt đầu một hành trình nguy hiểm để đến Anh?

Tờ báo Anh The Guardian đã mở đầu bài viết về trường hợp Phạm Thị Trà My, người nghi ngờ là 1 trong 39 nạn nhân đã chết trong cỗ quan tài đông lạnh ở Essex, như vậy.
Câu trả lời là viễn cảnh về công việc ở một tiệm làm móng trên một con phố lớn ở Anh. Với nam giới, đó sẽ là việc trồng cần sa dưới những căn hầm tối. Cả nam và nữ đều thường bị ép bán dâm.
Khó mà tưởng tượng được có ai lại thế chấp nhà cửa, từ bỏ nhân thân (bằng cách xé bỏ hết giấy tờ), bất chấp rủi ro tính mạng để đến cái đích đó. Một chuyến đi đắt giá theo mọi nghĩa như vậy, phải có cái đích là sự đổi đời.
Đổi đời hẳn là những gì Phạm Thị Trà My và những người khác nghĩ đến, khi họ dấn thân vào con đường nhập cư trái phép. Động lực của họ, hẳn là từ những ngôi nhà lớn, những chiếc xe đẹp của bạn bè, hàng xóm đã từng đi nước ngoài trước đó. Những thứ vật chất đầy mê hoặc, nhưng không biết kể những khó nhọc và cả bất hạnh để kiếm ra nó.
Thống kê về con số những nạn nhân tiềm năng của nô lệ hiện đại và mua bán người của Cơ quan Phòng chống tội phạm Anh (NCA) năm 2018 cho thấy: Trong số 130 quốc gia, người có quốc tịch VN đứng thứ 3 về số các nạn nhân. Trong tổng số 6.993 trường hợp được báo cáo, người VN chiếm 702 trường hợp, phần lớn trong số họ bị bóc lột lao động (484 trường hợp), sau đó đến bóc lột tình dục. Một trường hợp được báo cáo là đã bị bán nội tạng.
VN cũng đứng thứ 3 trong thống kê năm 2017.
Đó không phải bức tranh toàn cảnh, vì phần lớn những người bị đưa sang lao động trái phép sẽ phải ẩn mình thật kỹ, không thể tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả khi họ bị lạm dụng, bị đối xử như nô lệ. Tuy nhiên, nó cũng phần nào cho thấy bức tranh cuộc sống nơi xứ người. Những đồng tiền họ làm ra, trong nhiều trường hợp, được đổi bằng máu.
Con người có quyền mưu cầu hạnh phúc. Dù động cơ của những người ra đi là gì, đó hẳn phải là một mơ ước về tương lai tốt đẹp hơn. Không ai đáng bị phán xét vì mưu cầu hạnh phúc (cũng không ai có quyền phán xét điều đó). Nhưng nếu biết xác suất 10% khả năng sẽ chết trong một chiếc thùng xe đông lạnh, hẳn không ai trong số 39 nạn nhân sẽ chấp nhận lên đường, chưa nói đến phải thế chấp nhà cửa, vay nợ.
“Xin đừng nghĩ cuộc sống ở Anh toàn màu hồng. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh bị bóc lột tình dục hay sinh sống trong hoàn cảnh hết sức tồi tệ. Đừng đưa con cái các vị vào hoàn cảnh đó”, Paul Wylie, Chỉ huy trưởng chiến dịch Magnify, lực lượng kiểm soát di trú Anh, đã nói như vậy sau một đợt “truy quét” người Việt lao động trái phép trong những tiệm làm móng.
Nếu biết đích đến không phải thiên đường, hy vọng những người có ý định nhập cư trái phép sẽ nghĩ lại lần hai, sẽ tìm kiếm hạnh phúc bằng một con đường khác, ít bất trắc hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.