Kỳ vọng xuất khẩu gạo

Hiểu Minh
Hiểu Minh
19/05/2020 04:19 GMT+7

Năm 2012, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về lượng xuất khẩu (8.016 nghìn tấn), cả về kim ngạch (3.673 triệu USD). Sau kỷ lục này, kim ngạch xuất khẩu gạo có xu hướng chung là giảm.

Tổng lượng xuất khẩu trong thời kỳ 2013 - 2019 đạt hơn 42 triệu tấn, bình quân hơn 6 triệu tấn, nhưng không năm nào vượt qua 6,6 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong 7 năm qua đạt hơn 14,2 tỉ USD, bình quân 1 năm đạt 2,034 tỉ USD, không năm nào vượt qua mốc 3,06 tỉ USD. Đơn giá xuất khẩu 1 tấn trong thời kỳ 2013 - 2019 đạt 458,2 USD. Năm thấp nhất là 2016, lượng xuất khẩu chỉ hơn 4,8 triệu tấn, với kim ngạch 2,139 tỉ USD. Bình quân năm trong thời kỳ 2013 -2019 tăng trưởng xuất khẩu gạo mang dấu âm cả về lượng (-3,2%), cả về kim ngạch (-3,8%). Kim ngạch xuất khẩu gạo trong thời kỳ giảm vì lượng gạo xuất khẩu giảm và đơn giá xuất khẩu gạo giảm. Giá gạo xuất khẩu năm 2019 đạt 440,6 USD/tấn, thấp hơn mức 458,2 USD/tấn của năm 2012; bình quân thời kỳ 2013 - 2019 chỉ đạt 335,3 USD/tấn, còn thấp hơn năm 2012.
Bốn tháng đầu năm 2020, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch đạt 990,8 triệu USD, tăng 11,2% - cao hơn tốc độ tăng về lượng, nên đơn giá xuất khẩu đạt 470,1 USD/tấn, cao hơn đơn giá năm 2012 và đơn giá bình quân thời kỳ 2013 - 2019. Kết quả này có thể kỳ vọng xuất khẩu gạo trong cả năm 2020 đạt trên 7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 3,3 tỉ USD. Tương đương đơn giá xuất khẩu sẽ vượt qua mốc 471 USD/tấn, cao hơn mức 460,6 USD/tấn của năm 2019, thậm chí có thể vượt qua mốc 500 USD/tấn - là một trong những năm được giá cao (năm 2011 đạt 514,2 USD/tấn và năm 2018 đạt 501,1 USD/tấn).
Kỳ vọng này có cơ sở nếu xét cả về phía cung và cả về phía cầu.
Về phía cung, tổng diện tích gieo trồng lúa của cả nước tuy có giảm trong những năm qua, nhưng vẫn xấp xỉ 7,5 triệu ha. Có thể tăng diện tích lúa chất lượng cao để có giá xuất khẩu cao hơn. Với tổng sản lượng lúa thực thu hiện có thể đạt trên 43,4 triệu tấn (năm 2015 đạt cao nhất là gần 45,1 triệu tấn); nếu trừ đi phần hao hụt trong quá trình bảo quản thì sản lượng còn được sử dụng sẽ vào khoảng 42 triệu tấn. Với tỷ lệ gạo 55% thì sản lượng gạo sẽ đạt khoảng 23 triệu tấn.
Về phía cầu, tổng lượng gạo dùng cho ăn ở trong nước vào khoảng 9,5 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng gạo dùng cho các nhu cầu khác thì khả năng lượng gạo xuất khẩu có thể vượt 7 triệu tấn. Thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam có một số điểm lưu ý: Trung Quốc có gần 1,4 tỉ dân là thị trường tiêu thụ gạo lớn; nhiều nước xung quanh đang chuyển sang phát triển công nghiệp, dịch vụ, nên nhu cầu chuyển ra nhập khẩu từ bên ngoài.
Một số thị trường đã từng nhập khẩu lớn gạo của Việt Nam trước kia cần được quan tâm. Trong đó đáng chú ý một số thị trường: Năm 2002, Iraq nhập 876.000 tấn, Nga nhập 216.000 tấn; Năm 2003, Cuba nhập 300.000 tấn, Indonesia nhập 300.000 tấn, Malaysia nhập 624.000 tấn...
Từ những thực tế trên, kỳ vọng Việt Nam năm nay phá kỷ lục xuất khẩu gạo là hoàn toàn khả thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.