Tôn vinh văn hóa bánh mì Việt

12/10/2022 04:15 GMT+7

Theo những chiếc tàu viễn chinh của người Pháp, bánh mì đã trải qua hơn trăm năm thăng trầm lịch sử và trở thành món ăn gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật, ghi đậm dấu ấn văn hóa của người Việt .

Với sự tham gia của hơn 1.000 người, từ các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới cùng đội ngũ chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, giảng viên, sinh viên của nhiều trường đại học, Hội thảo khoa học quốc tế “Hành trình bánh mì VN: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” do Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp VN phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức sáng qua (11.10) đã tái hiện đầy đủ và rõ nét hành trình bánh mì VN từ bối cảnh lịch sử du nhập, sự tiếp nhận sáng tạo của người VN cho đến quá trình trở thành món ẩm thực được nhận diện thành thương hiệu quốc gia như hiện nay.

Giới thiệu bánh mì VN tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hành trình bánh mì VN: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” do Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức ngày 11.10

Ngọc Dương

Từ bị “tẩy chay” đến món ăn quốc dân

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đã mang đến bức tranh khái quát về hành trình bánh mì Việt. Theo ông, bánh mì vốn dĩ chỉ là món ăn đơn giản, nhưng ít ai nghĩ rằng bản thân món ăn đơn giản này lại chứa đựng trong mình hành trình lịch sử, mà cụ thể là lịch sử mở rộng thuộc địa của người Pháp và phản ứng của người Việt với văn minh phương Tây, diễn ra trong suốt hơn 100 năm.

Thi sáng tạo nhân bánh mì Việt Nam: Ẵm HCV vì làm 3 loại nhân một lúc

Hội thảo khoa học quốc tế “Hành trình bánh mì VN: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” do Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức ngày 11.10

Ngọc Dương

Hơn 100 năm trước, trên những chiếc tàu viễn chinh của người Pháp không chỉ có thủy quân, lục quân mà còn có cả những kiến trúc sư đến để xây dựng một thành phố kiểu Pháp dành cho người Pháp, dần biến đổi thành Gia Định trở thành một Sài Gòn mỹ lệ; có cả những đầu bếp và bột mì, bơ sữa để nấu những bữa ăn Pháp... Bánh mì đến xứ Đông Dương theo chân người Pháp khi tiến chiếm thuộc địa. Họ ăn bánh mì hằng ngày như người Việt ăn cơm. Cũng có một số giả thuyết cho rằng bánh mì đã xuất hiện theo chân các cha cố truyền đạo. Tuy nhiên, giả thuyết này, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhận định rằng chưa đủ thuyết phục.

Du khách đến VN rất thích ăn bánh mì Việt

Nhật Thịnh

“Người Việt đầu tiên ghi lại về bánh mì chính là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất Gia Định - xứ Nam kỳ. Năm 1861, hai năm sau khi thành Gia Định thất thủ, ông viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có câu: “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Người Việt ban đầu ghét quân xâm lược nên cũng không ưa những phong tục phương Tây mang đến, trong đó có văn hóa ẩm thực”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn dẫn chứng.

Xem đầu bếp Singapore biến tấu bánh mì với thịt cua và nước xốt kiểu 5 sao

Tuyên ngôn này của cụ Đồ Chiểu đã phát động phong trào đối kháng cả tinh thần lẫn vật chất với những tân thời phương Tây. Nhiều người đã theo cụ Đồ Chiểu tẩy chay rượu chát, giặt quần áo bằng tro chứ không dùng xà bông... Bánh mì cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, lâu dần, bánh mì đã gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người VN từ lúc nào không biết, trở nên thân thuộc, gần gũi. Những khách hàng đầu tiên mua bánh mì là học sinh trường Tây thời cũ, thông ngôn, bồi bàn, công chức tân trào… Sau này bánh mì dần phổ biến khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn. Ban đầu món bánh của người Tây này được thưởng thức như một món ăn chơi. Sau này được biến tấu thành bữa ăn chính cho đến ngày nay. Món ăn phổ biến cho buổi sáng tiện lợi và dinh dưỡng.

Bánh mì VN tại hội thảo

Ngọc Dương

Theo nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, quyền Viện trưởng Viện Mekong, lò bánh mì gạch đầu tiên ở VN đặt tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) bây giờ, trước là phố Paul Bert. Tuy nhiên, đây là nghề vất vả lại kiếm ít tiền do người Pháp mang vào nhưng chủ yếu mướn người bản địa làm thuê. Nhưng họ chỉ ở đằng sau nên không ai biết. Không như ngày nay, không ít người làm bánh mì tại VN là nghệ nhân, được vinh danh trong nước và thế giới biết đến. Ban đầu, người miền Bắc gọi baguette là bánh tây, miền Nam thì gọi là bánh mì. Năm 1958 là cột mốc quan trọng đánh dấu bước định hình chính thức của bánh mì Việt khi xuất hiện tiệm bánh Hòa Mã kẹp thịt nguội của ông Hòa - bà Tịnh tại Sài Gòn. Lúc này, sự biến tấu của món ăn này càng nhiều hơn, từ chấm bơ, sữa, nước sốt…; sau được biến tấu kẹp thịt, chả lụa, patê vào giữa ổ bánh để người mua tiện mang đi. Theo thời gian, bánh mì đã có mặt ở khắp mọi miền, được Việt hóa để vừa lòng đa dạng thực khách với ruột bánh ngày một xốp và mỏng, vỏ bánh ngày một dày lên, kích cỡ bánh cũng nhỏ lại bằng 1/2, 1/3 lần để tiện mang đi. Chẳng những thế, bánh mì còn trở thành món ăn nhanh “quốc dân” cho mọi người vì sự đa dạng, tiện lợi, và quan trọng nhất là giá thành rất rẻ. “Ở dải đất chữ S này, bánh mì có thể được tìm thấy ở bất cứ TP nào, bất cứ con đường nào, từ khu phố lao động bình thường đến những trung tâm thương mại sầm uất, từ vỉa hè, lề phố cho đến khách sạn sang trọng. Điều thú vị là bạn có thể gặp đủ phiên bản khác nhau, nếm nhiều hương vị khác nhau - tương ứng với đặc trưng ẩm thực của từng TP, vùng miền”, bà Phượng tự hào.

Điển hình về sáng tạo trong văn hóa ẩm thực

Trình bày tham luận tại hội thảo, TS sử học Vũ Thế Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN, cho rằng trong lịch sử phát triển của văn hóa ẩm thực nhân loại, ta thấy mỗi vùng miền khác nhau trên trái đất, loài người đã khám phá và tạo nên những sản phẩm ẩm thực để thích nghi với môi trường sống của mình. Người Việt ăn bánh mì, ăn sản phẩm làm từ bột mì là một quá trình hội nhập do các yếu tố văn hóa kinh tế và lịch sử mà hình thành. Sự thăng trầm của bánh mì một phần cũng có nguồn gốc từ đó.

Theo ông Long, nếu chỉ xét cái bánh mì theo nghĩa hẹp, tức là những chiếc bánh làm từ bột mì, thì giữa bánh mì sản xuất ở VN và bánh sản xuất trên thế giới cũng không mấy khác biệt. Nó chỉ khác nhau về chủng loại như bánh mì đen hay bánh mì trắng, nguyên liệu bột, men, hình dáng…Bí mật hấp dẫn cả thế giới với bánh mì VN chính là nằm ở phần nhân, phần thức ăn kèm.

“Bánh mì với các loại ăn kèm giống như các bữa cỗ của người VN, ăn cơm với thịt bò, thịt gà hay cá... Bánh mì ăn với cái gì mới là đặc điểm riêng, là cách chế biến mới tạo nên sự nổi tiếng của món bánh mì VN và thể hiện sự sáng tạo phong phú của văn hóa ẩm thực Việt. Chúng ta có đủ các loại nhân bánh như bánh mì chảo Hà Nội, bánh mì que với patê ở Hải Phòng, bánh mì bột lọc ở miền Trung, bánh mì chả cá, bánh mì ép của Huế, bánh mì gà xé, bánh mì đầu nhọn (Hội An), rồi bánh mì kẹp xá xíu, phá lấu, bì heo...; hay mới nhất là bánh mì thanh long, bánh mì bóng đêm (than tre). Giá trị ở trong bánh mì VN chính là những món ăn đi kèm khiến món ăn này của nước ta trở nên nổi bật, là nét ẩm thực thu hút với du khách nước ngoài”, TS sử học Vũ Thế Long nhận định.

Được mệnh danh là “vua bánh mì VN”, ông Kao Siêu Lực, Kỷ lục gia về bánh mì VN, khẳng định sự sáng tạo trong ẩm thực Việt không chỉ thể hiện qua sự biến tấu không ngừng nghỉ về nhân bánh mà đã được khắc họa rõ nét ngay từ những công đoạn làm vỏ bánh thời xa xưa. Cụ thể, bánh mì theo chân người Pháp xuất hiện tại Sài Gòn dưới dạng bánh mì baguette. Bánh mì chủ yếu được sản xuất từ lò gạch, loại lò truyền thống xây theo kiểu Pháp bằng gạch chỉ/gạch nung chịu nhiệt với vật liệu gồm đường, vôi và cát. Công đoạn sản xuất bánh mì thời đó công phu, chủ yếu thợ làm bằng tay nhưng nguyên liệu tạo nên bánh mì lại vô cùng đơn giản với bột, muối, men và nước. Nhờ đó, thực khách có thể cảm nhận vị bánh mì truyền thống, đặc trưng mà không bị tác động bởi quá nhiều thành phần khác trong bánh. Đầu thập niên 1970, nhận thấy sự bất tiện của lò gạch, một số chủ lò bánh mì đã nhập những loại lò nướng bánh mì tân tiến hơn từ Nhật áp dụng cho quy trình sản xuất của mình. Tuy là lò điện nhưng nhiên liệu sử dụng có thể thay thế bằng dầu. Ở giai đoạn này, nguyên liệu làm bánh vẫn không đổi. Tuy sự tiện lợi của lò điện cho ra lò những mẻ bánh lớn, nhưng màu sắc bánh lại không vàng đẹp như giai đoạn lò gạch.

Sau năm 1975, xuất hiện lò bánh mì thùng phuy hay còn được gọi là lò dã chiến. Ông Kao Siêu Lực đánh giá đây là sự sáng tạo vô cùng độc đáo của người VN bởi nướng bánh mì phải có hơi nước nhưng thùng phuy không có. Thợ làm bánh đã tự tạo ra hơi nước bằng cách tạt 1 ca nước vào lò thùng phuy; đồng thời cảm nhận nhiệt độ bằng tay. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những chiếc bánh mì “xé cánh” đẹp mắt được lưu truyền đến tận ngày nay.

Khai thác thế mạnh ẩm thực để “kích” du lịch

Mặc dù chưa đồng tình với những giả thuyết về lò bánh mì đầu tiên ở phố Paul Bert hay phải tới khi người Pháp xâm chiếm thì VN mới biết đến bột mì, song nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn phải khẳng định bánh mì là điển hình về sáng tạo trong văn hóa VN. Ông nói: “VN ngay từ rất sớm đã thể hiện là nước có năng lực hội nhập lớn. Bánh mì từ chỗ xa lạ, ngoại lai trở nên gần gũi với con người. Hệ sinh thái của VN rất phong phú và đa dạng về nguyên liệu kẹp trong bánh mì. Người Việt không bị dị ứng với những yếu tố khác biệt, dễ tiếp nhận. Tính đa dạng, lấy trung đạo, hài hòa làm chính - những nét đặc sắc nhất của văn hóa VN đã được tích hợp trong bánh mì tạo thành thói quen ẩm thực, xác lập xu thế trên bàn ăn và mở ra triển vọng cho sự phát triển bánh mì nói riêng, du lịch nói chung”.

“Có thể lấy ngày 24.3 để tổ chức lễ hội bánh mì Việt hằng năm, nằm trong chiến lược thu hút và phát triển du lịch”, PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), gợi ý. Ông cho rằng cũng như từ “pho” (phở), từ “banh mi” của VN được từ điển nổi tiếng Oxford ghi danh vào ngày 24.3.2011 mà bất cứ ai muốn gọi phải nói bằng tiếng Việt. Dẫn câu gợi ý của cha đẻ ngành marketing Philip Kotler trong lần đến VN năm 2007 “biến VN thành bếp ăn thế giới là con đường tốt nhất để phát triển du lịch”, ông Long nhấn mạnh tầm quan trọng của ẩm thực Việt và coi đây là thế mạnh cạnh tranh của VN để làm du lịch.

“Ẩm thực được xem là yếu tố tạo nên giá trị cho điểm đến và cũng là yếu tố được quan tâm trong quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Khai thác được giá trị ẩm thực trong du lịch sẽ giúp việc phát triển du lịch nói riêng và kinh tế ở địa phương nói chung. Cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của ẩm thực trong mối tương quan với phát triển du lịch. Đặc biệt, nâng cao thương hiệu và đầu tư cho việc xúc tiến quảng bá ẩm thực VN thông qua du lịch, tập trung vào những món ăn nổi tiếng. Tất nhiên trong đó không thể quên món bánh mì”, PGS-TS Phạm Hồng Long đề xuất.

Bánh mì Sài Gòn và những biến tấu lạ

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: Quảng bá văn hóa ẩm thực VN với bạn bè quốc tế

Ảnh

Bánh mì ngày nay đã trở thành một trong những món ăn mang tính biểu tượng gợi nhớ đến VN nói chung và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng trong lòng người dân và du khách quốc tế. Năm 2020, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN và Google tổ chức tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”. Sự kiện này nhân dịp kỷ niệm từ “banh mi” của VN được từ điển Oxford ghi nhận và hình ảnh bánh mì VN được Google Doodle vinh danh ở 12 quốc gia trên thế giới. Sau đại dịch, TP.HCM đang quyết tâm hồi phục, phát triển nhanh chóng. Thành phố xác định ẩm thực là 1 trong 7 trụ cột trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn từ nay đến 2030. Trong đó, bánh mì là nền tảng quan trọng nhất, không chỉ quảng bá thêm ngành ẩm thực VN mà còn thúc đẩy phát triển du lịch. Từ những chất liệu đã được trình bày trong hội thảo hôm nay, ngành du lịch TP xin được góp nhặt những nghiên cứu để tiếp tục mang đi quảng bá du lịch TP.HCM, quảng bá văn hóa ẩm thực VN với bạn bè quốc tế.

TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: Đến VN, thưởng thức bánh mì là cảm nhận rõ nét văn hóa ẩm thực người Việt

Ảnh

Việc tôn vinh văn hóa bánh mì có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực của TP.HCM nói riêng và phát triển ngành du lịch VN nói chung. Du lịch phục vụ nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành dịch vụ, kinh tế. Bánh mì là văn hóa ẩm thực đặc trưng với mỗi cá nhân người Việt. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bánh mì VN ở bất cứ đâu, từ hè phố đến các bữa tiệc sang trọng. Nó là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt. Đối với du khách quốc tế, đến VN và thưởng thức bánh mì là sự cảm nhận một cách rõ nét văn hóa ẩm thực của người Việt.

PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang: Bài học về sự cải tiến, sáng tạo của con người VN

Ảnh

Không chỉ là câu chuyện hành trình về chiếc bánh mì VN, qua hội thảo, chúng ta được học hỏi, lắng nghe nhiều bài học bổ ích về sự cải tiến, tư duy đổi mới công nghệ, sự sáng tạo của con người VN. Lồng bên trong đó là lòng tự hào dân tộc, một tấm lòng chia sẻ… Chúng tôi rất cảm động câu chuyện ông Kao Siêu Lực chia sẻ, ý nghĩa đằng sau chiếc bánh mì thanh long là nỗ lực giải cứu cho nhà nông Việt. Tinh thần chia sẻ, ứng dụng khoa học với mong muốn được cải thiện tốt hơn là bài học vô cùng quý giá cho sinh viên. Ngoài kiến thức, các em lĩnh hội được ý chí kiên cường, nỗ lực vượt thách thức, khó khăn với tấm lòng sẻ chia, bao dung của người nghiên cứu khoa học, luôn tìm tòi sáng tạo để đạt được mục đích. Chúng tôi lấy làm khâm phục, những chia sẻ tại hội thảo là bài học quý giá, sống động, có giá trị mà không dễ gì sinh viên đều có cơ hội nghe.

Ông Matsuo Tomoyuki, Giám đốc điều hành Tập đoàn Văn hóa thực phẩm Nhật Bản, Chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực Việt - Nhật: Bánh mì VN là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa

Bánh mì VN là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa. Đây cũng là một nét tương đồng với ẩm thực Nhật Bản. Chẳng hạn tại Nhật Bản, chúng tôi có mì ramen - món mì xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đã được người Nhật pha trộn, chế biến thành món ăn của mình, thay đổi và tạo ra một món mì hoàn toàn mới theo phong cách Nhật Bản, đậm chất văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Bánh mì VN cũng vậy, có sự giao thoa, hòa quyện của nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau để tạo nên một món bánh mì VN nổi tiếng. Tôi theo đuổi bán bánh mì và cà phê tại cửa hàng của mình ở Tokyo vì muốn khách hàng Nhật của mình không chỉ tận hưởng món ăn mà còn tận hưởng văn hóa ẩm thực Việt.

TS Lê Minh Thành, Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang: Ứng dụng công nghệ số để quảng bá bánh mì VN

Ảnh

Trong thực tế, ứng dụng công nghệ số, khoa học công nghệ hiện đại để quảng bá luôn được đánh giá cao trong giai đoạn hiện nay. Qua metaverse - một không gian kỹ thuật số cải tiến của internet, được hỗ trợ một môi trường ảo 3D cho phép mọi người có trải nghiệm thực tế như thật. Bạn có thể đặt một chiếc bánh mì kẹp thịt VN nóng giòn trong môi trường ảo, nhưng lại giao trong môi trường thực qua metaverse. Để quảng bá bánh mì VN, chúng ta có thể tạo ra hình ảnh từ sáng tạo được hỗ trợ môi trường ảo 3D như nói trên. Trên nền tảng có thực phẩm, nông trại với nhiều thành phần khác nhau, có không gian bếp với nhiều công thức nấu ăn của các đầu bếp nổi tiếng… kết nối với các chiến dịch quảng cáo và xã hội nhằm đưa hình ảnh của bánh mì VN đẹp nhất, ngon nhất trong mắt người xem trong và ngoài nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.