Tổng bí thư đánh giá đây là một sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô; đồng thời thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước. Công tác chuẩn bị Đại hội đã được làm công phu, bài bản, nghiêm túc và trách nhiệm.
Tập thể Bộ Chính trị đã nghe Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội báo cáo về công tác chuẩn bị và đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể để hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội.
“Rất mừng, qua theo dõi từ sáng đến giờ, tôi thấy là các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, hay như tôi nói khiêm tốn hơn, là góp ý, gợi ý của Bộ Chính trị, đã được tiếp thu và thể hiện tại các báo cáo, theo tinh thần, đây là Đại hội Đảng, bàn về sự lãnh đạo của đảng bộ chứ không phải bàn về kinh tế hay là họp chuyên đề về vấn đề gì cả”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
|
Cũng theo Tổng bí thư, khi kết luận phiên họp của Bộ Chính trị với Ban thường vụ Thành uỷ, ông đã nói mình góp ý kiến với tư cách công dân Thủ đô, để lãnh đạo Hà Nội tham khảo, nhưng “hôm nay thấy cũng được tiếp thu vào”, nên Tổng bí thư nói “từ sáng đến giờ cứ khấp khởi mừng thầm”.
Điểm lại những thành công trong nhiệm kỳ vừa qua, như Đảng bộ TP đã triển khai có hiệu quả 8 chương trình công tác của Thành uỷ; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công "5 nhiệm vụ trọng tâm", "3 khâu đột phá".
Đặc biệt, Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ đề ra, với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình quân GRDP đầu người ước đạt 5.420 USD (gấp 1,8 lần bình quân chung cả nước). Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Tổng bí thư đánh giá Hà Nội đang ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, tạo động lực quan trọng đối với phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
“Những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh, nhưng cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại.
Còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn...
Theo Tổng bí thư, nhìn chung Hà Nội chưa tạo được các "đột phá lớn" và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của TP chưa cao.
Các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động, chưa theo kịp thực tiễn.
Những chuyển biến trong lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
|
Việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; quốc phòng, quân sự địa phương; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... có những mặt còn hạn chế.
Tình hình tội phạm, an ninh, trật tự trong xã hội còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai... chưa được tập trung xử lý kiên quyết, kịp thời, gây bức xúc dư luận; thậm chí còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Cái này làm xấu hình ảnh của thủ đô, rất đáng tiếc”, Tổng bí thư nói.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn thấp; tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa cao. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn hạn chế, "thậm chí hơi hình thức, nặng về hiếu hỉ quá".
Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là những vấn đề mà Đảng bộ Thành phố cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá khách quan và tập trung có giải pháp khắc phục kịp thời.
"Rõ ràng là chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ như ngày nay"
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn ra những thay đổi nhanh chóng và khó lường, Tổng bí thư nhấn mạnh đất nước ta vẫn vững vàng, vượt qua mọi trở ngại, đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.
“Như tôi đã nhiều lần khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay. Cách đây vài hôm, bế mạc Hội nghị T.Ư, tôi đã phải giải thích thêm cái này, không lại sợ có nhiều người hiểu lầm là tự cao tự tại thế. Không phải. Đây đúng sự thật", Tổng bí thư nhắc lại.
"Trước kia nước ta là nước nhược tiểu, mấy triệu dân, làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập. Ta gần 100 triệu dân rồi, ruộng đất vẫn thế, có đẻ thêm ra đâu, xây dựng biết bao nhiêu công trình, sử dụng biết bao nhiêu đất đai cho công nghiệp, cho xây dựng, cho các công việc khác, thế mà ta làm vẫn đủ ăn, năng lực xuất khẩu gạo 7 triệu tấn. Đã bao giờ có được thế chưa? Vị thế của chúng ta trên thế giới giờ thế nào? Các nước lớn cũng phải nể… Rõ ràng là chưa bao giờ Việt Nam ta có được cơ đồ như ngày nay”, Tổng bí thư một lần nữa khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh cũng chưa khi nào Hà Nội có được quy mô, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ.
|
Trước kia, Hà Nội chỉ có 36 phố phường, giờ mở rộng ra đến tận Hà Tây, có cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, rất nhiều thứ.
Đây cũng là nơi tập trung các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, tập trung nhân lực, các giáo sư, tiến sĩ…. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn mạnh hơn để xứng đáng là bộ mặt của quốc gia, là tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của khí thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm…
"Sắp Đại hội đến nơi mà có cán bộ chủ chốt bị xử lý... Tôi rất đau xót!"
Tổng bí thư đưa ra 7 gợi ý cho Hà Nội, trên cả các khía cạnh kinh tế, chính trị, an ninh, văn hoá… để Hà Nội thực sự làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước.
Trong số này, Tổng bí thư cũng nhấn mạnh Hà Nội cần “đặc biệt chú trọng” trong xây dựng Đảng; đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật những cán bộ vi phạm.
“Vừa rồi có trường hợp tôi không phải nói thì chúng ta đều biết cả rồi. Rất đau xót. Sắp Đại hội đến nơi rồi, mà một đồng chí lãnh đạo chủ chốt bị xử lý như thế, mà đây mới là bước đầu thôi. Có đau không? Tôi đau lắm. Mình không mong muốn như thế”, Tổng bí thư nói, và một lần nữa lưu ý về công tác cán bộ.
"Lắm ý kiến quá, lắm người can thiệp quá..."“Nói những điều này thì tôi không có ý chê trách hay chì chiết nặng nề gì với Hà Nội”, Tổng bí thư nói thêm, và nhấn mạnh ông rất thông cảm và chia sẻ với khó khăn của lãnh đạo Hà Nội, vì cũng đã từng có gần 10 năm công tác tại đây.
“Người ta có câu nói là “Hà Nội không vội được đâu”, châm biếm là “cái gì mà không định làm thì mang ra bàn”, bởi vì lắm ý kiến quá, nhiều người can thiệp quá, định làm cái gì bàn lên bàn xuống bàn đi bàn lại. Có những công trình, dự án kéo dài mãi, kể ra nó nhiều lắm, các đồng chí đã thấy cả rồi. Quả thực là khó làm. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cũng nhắc mãi; số 8 Lê Trực cũng thế, rồi các vụ việc tiêu cực, rất khó giải quyết. Tôi rất thông cảm, chia sẻ khó khăn. Đây là sự thật. Nhưng mà ta phải quyết tâm làm”, Tổng bí thư bày tỏ.
Lưu ý các cơ quan T.Ư cần phối hợp với Hà Nội tốt hơn nữa, theo Tổng bí thư, có những đề xuất của Hà Nội mãi chẳng được trả lời, có khi còn gây khó khăn.
“Ngày xưa, chúng tôi làm bao nhiêu cuộc gặp gỡ, làm việc từng bộ, từng ban, kết nghĩa với các địa phương, cũng làm nhiều bài lắm, thế mà tới bây giờ nó vẫn khó… Cái gì không định làm thì mang ra bàn. Bàn thì lắm ý kiến lắm. Lắm thầy rầy ma, lắm cha con khó lấy chồng. Mà nói thì lại dễ va chạm, "được lòng đất thì lại mất lòng đò". Nói ông này ông kia có khi lại không thích, lần sau lên xin cái gì có khi rất khó. Cứ nói thật thế”, Tổng bí thư nói thêm.
|
Bình luận (0)