'Tổng động viên' chuyện kể từ biên giới phía bắc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/07/2024 06:40 GMT+7

Hồi ức và tư liệu đa dạng, được sắp xếp khoa học, giàu cảm xúc trong cuốn Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc.

Lịch sử sau khi biên cương im tiếng súng

Trang nhất Báo Nhân dân ngày thứ ba (6.3.1979) là nội dung mở đầu cuốn sách Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc (NXB Trẻ). Trên trang báo này, Lệnh tổng động viên do Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Tôn Đức Thắng được in trang trọng. Cũng trên trang nhất của Báo Nhân dân ngày 6.3.1979 này còn có Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổng động viên. Một tin khác cũng được đăng trên trang báo này là Cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng: 3.000 đoàn viên và thanh niên Hà Nội hô vang Năm lời thề quyết thắng.

Ảnh 1.jpg

Bìa sách

NXB Trẻ

Những hình ảnh đó còn được đặt trước cả lời giới thiệu sách của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316. Trong bài giới thiệu sách này, ông Khảm nói nhiều về câu chuyện ngoại giao, lịch sử từ năm 1972, sau cú bắt tay Mỹ - Trung đưa đến "Thông cáo chung Thượng Hải". Nhưng ông nói nhiều hơn về những diễn biến quân sự đã xảy ra từ năm 1979 - 1989. Ông cũng thắp nén tâm nhang tưởng nhớ anh linh các cán bộ, chiến sĩ đồng bào đã ngã xuống nơi dải đất biên cương của Tổ quốc.

Tinh thần của cuốn sách cũng được trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nói ngắn gọn: "Biên cương đã im tiếng súng, nhưng thời gian không thể làm suy suyển sự thật và bản chất lịch sử. Lịch sử cần được nhìn nhận, ghi nhớ, không phải nhen lên thù hận dân tộc, mà để xây đắp cho ước vọng hòa bình, để chúng ta không bao giờ bị bất ngờ trong nhiệm vụ tối hậu: Bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng".

Dù không mặc áo lính, những tác giả của Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc cũng là những người đã "tiếp xúc" với chiến tranh biên giới trong đời sống của mình. Ba tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh đã cùng nhau thực hiện dự án nội dung này từ 2021, cùng tìm kiếm lại những hồi ức của các nhân chứng. Trong suốt chặng đường đó, nhận thức của họ về chiến tranh biên giới rõ dần, chi tiết hơn, và cũng vì thế có nhiều hơn "những hình ảnh, âm thanh, mùi vị và cảm giác nặng nề đã được chôn sâu, những cái tên nằm lòng nhưng ít được nhắc tới trong hơn 40 - 45 năm qua" (chữ của nhà báo Đào Thanh Huyền).

Cuốn sách đặc biệt - số báo đặc biệt

Đều là những nhà báo, cuốn sách của họ có vóc dáng của một số báo chuyên đề đặc biệt. Trong đó, các nhân vật có địa chỉ cụ thể, hình ảnh kể về những thời điểm cụ thể. Cũng nhờ có nhiều góc nhìn cá nhân như thế về một thời điểm, hình dung của người đọc sẽ rõ hơn. Chẳng hạn, ở Quảng Ninh, nhóm tác giả đã phỏng vấn và đưa vào sách cái nhìn của những người lính đồn biên phòng 207, người ở tiểu đội cối, người là trinh sát và hậu cần, người y tá ở trạm y tế dưới chân đồn biên phòng, tự vệ lâm trường… Mỗi một mảnh ký ức của các nhân chứng là một cuộc phỏng vấn - tác nghiệp quen thuộc với mỗi nhà báo. Sự khách quan, giản dị trong ngôn ngữ của nhân vật cũng giúp độc giả có tốc độ đọc tốt nhất có thể.

Ảnh 2.jpg

Trang Báo Nhân dân đăng lệnh Tổng động viên được in lại một phần trong cuốn sách

NXB Trẻ

Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc có hệ thống đồ họa hiện đại và lôi cuốn. Đây là cách các tác giả "thị giác hóa" rất nhiều tư liệu. Ở trang sách Vũ khí, trang thiết bị của quân đội Việt Nam (1979), những trang phục, súng ống, bao lựu đạn được chụp hình và sắp xếp cạnh nhau, bên cạnh đó là cách thức trang bị, sử dụng. Những tư liệu này hẳn sẽ có ích cho việc tái hiện lại cuộc chiến trong phim tư liệu, phim truyện… Các bản đồ chiến sự kèm hộp thông tin về thời gian, thời điểm từng trận chiến giúp hình dung rõ hơn về những giằng co. Bên cạnh đó, những hình tư liệu được sử dụng lúc như một phóng sự ảnh, lúc như một minh họa. Những hình ảnh này có thể là ảnh tư liệu đen trắng, là những ký họa, hay hình vẽ minh họa báo chí thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, hay những chân dung thời nay của nhân chứng. Tìm được chúng, tính toán đặt chúng ở đâu cũng là một khối lượng công việc khổng lồ.

"Số báo đặc biệt" Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc chất chứa nhiều cảm xúc và tài hoa của nhóm tác giả. Các chương được đặt tên dựa trên những bài hát của những năm chiến tranh biên giới, trong đó có bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới (tên chính thức là Chiến đấu vì độc lập tự do - BT) của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Những tên chương "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới", "Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương"… cũng là một phần ký ức của những người đã sống, đã nghe đài trong những năm 1979 tới sau này.

Ảnh 3.jpg

Tên các chương sách đều lấy từ bài hát

NXB Trẻ

Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc là một "số báo đặc biệt", một cuộc "tổng động viên" ký ức của nhiều người đã trải qua cuộc chiến theo cách của riêng mình. Bên cạnh những người lính, còn có con của tướng lĩnh sĩ quan, có nhà thơ, người dân đã gói chặt tâm tư về cuộc chiến nhiều năm. Gợi mở được những ký ức ấy không chỉ khó cho nhóm tác giả, mà đôi khi còn khó cho chính nhân chứng. Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc, vì thế, không chỉ là bức tranh toàn diện về chiến tranh biên giới phía bắc cho tới giờ, mà còn mang mong muốn nhìn sâu về cuộc chiến để rồi khép lại, làm nguôi ngoai những người đã tổn thương nhiều vì chiến tranh trong suốt những năm tháng qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.