Lãnh đạo Pháp, Đức yêu cầu Mỹ giải thích nghi vấn nghe lén 'không thể chấp nhận'

02/06/2021 10:00 GMT+7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng họ mong đợi chính phủ Mỹ và Đan Mạch đưa ra lời giải thích về cáo buộc Washington do thám các đồng minh châu Âu bằng cách nghe lén đường cáp internet ngầm.

Hôm 31.5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng họ trông đợi chính phủ Mỹ và Đan Mạch đưa ra lời giải thích về cáo buộc Washington nghe lén và do thám các đồng minh châu Âu.
Tổng thống Macron phát biểu: “Tôi muốn nói một cách rõ ràng rằng đây là điều không thể chấp nhận được giữa các đồng minh, và giữa các đồng minh và đối tác châu Âu thì lại càng không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác là Đan Mạch và Mỹ cung cấp tất cả thông tin về những tiết lộ này và về những dữ kiện trong quá khứ.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng định trực tuyến Hội đồng Bộ trưởng Đức - Pháp lần thứ 22, ngày 31.5

Reuters

Trước đó, đài phát thanh Đan Mạch DR ngày 30.5 đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe trộm đường cáp internet ngầm của Đan Mạch từ năm 2012 đến năm 2014 để theo dõi các chính trị gia hàng đầu ở Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp.
Cuộc điều tra được tiến hành từ năm 2014 sau khi xuất hiện nhiều thông tin mật về NSA do cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden rò rỉ. NSA có thể truy cập các tin nhắn SMS, cuộc gọi điện thoại và lưu lượng internet, bao gồm kết quả tìm kiếm, các dịch vụ trò chuyện và nhắn tin trực tuyến.

Khuôn viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở Fort Meade, Maryland (Mỹ)

Getty Images

Đan Mạch, một đồng minh thân cận của Mỹ, là nơi đặt nhiều trạm kết nối cáp internet dưới biển đến và đi từ Thụy Điển, Na Uy, Đức, Hà Lan và Anh. Theo DR, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen đã được thông báo về vụ gián điệp này vào tháng 8.2020.
Tại hội nghị thượng đỉnh, bà Merkel nói rằng bà “yên tâm” sau những tuyên bố của chính phủ Đan Mạch, đặc biệt là bà Trine Bramsen, với nội dung lên án những hành động nghe lén như vậy. Bên cạnh đó, bà cũng nói rằng: “Ngoài việc xác định những gì đã thật sự diễn ra, đây là một điểm khởi đầu tốt để đi đến các mối quan hệ thực sự dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.