Chiều 8.12, tại kỳ họp thứ tư của HĐND TP.HCM khóa X, giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Ban đô thị HĐND TP.HCM đã báo cáo kết quả giám sát chuyên đề hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP.HCM.
Chính sách quản lý nhà đất hiện chưa tạo sự công bằng
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, việc hoàn thành phủ kín quy hoạch phân khu (phân chia, xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công hạ tầng kỹ thuật xã hội - PV) đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp giấy phép xây dựng cho các công trình nhà ở riêng lẻ; triển khai đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng.
Đối với công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, lập quy chế và thiết kế đô thị, TP.HCM có nhiều sáng kiến để ứng dụng công nghệ trong quản lý quy hoạch kiến trúc; triển khai thành công nhiều cuộc thi, hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế để qua đó phục vụ định hướng phát triển xây dựng đô thị thông minh”, “Thành phố sáng tạo”, “Quy hoạch chỉnh trang bờ kè sông rạch TP.HCM”.
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy H.Hóc Môn phát biểu tại kỳ họp HĐND ở phiên báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP.HCM" |
sỹ đông |
Tuy nhiên, cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử, công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch còn thiếu sự đồng bộ, không trùng khớp với nhau, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 của quận, huyện vốn thực hiện cách đây 5 năm, cần kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới.
Ngoài ra, việc thực hiện chỉ tiêu về cây xanh công cộng cấp đơn vị ở và cấp đô thị đạt rất thấp so với các đồ án quy hoạch và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia...
Bà Vân cho biết thêm, TP.HCM dẫn đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, tuy nhiên, các đồ án quy hoạch được duyệt chưa có kế hoạch triển khai cụ thể hoặc còn phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.
"Thực tế, TP.HCM chưa có kinh phí để thực hiện hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong đó, nhiều tuyến đường, tuyến hẻm nhỏ không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy chưa được đầu tư mở rộng lộ giới theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Hay nhiều chung cư cũ, xuống cấp cần phải tháo dỡ nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm. Các công trình nhà ở xã hội được triển khai với số lượng khiêm tốn. Nhiều trường học, bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. Nhiều khu vực quy hoạch công viên cây xanh, giáo dục... đã được phê duyệt từ rất lâu nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng", bà Vân nói.
Song song đó, giá đất bồi thường nhiều nơi chưa tiệm cận với giá thị trường, chưa được sự đồng thuận rộng rãi của người dân. Chính sách về quản lý nhà đất hiện nay chưa tạo được sự công bằng, có sự khác biệt giữa nhà đất trong và ngoài khu quy hoạch đất dân cư, từ đó gây bức xúc trong dân, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
HĐND TP.HCM đề xuất chính sách đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân về đất đai, xây dựng, điều kiện sống trong khu vực quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong lúc chưa triển khai thực hiện theo quy hoạch. Đồng thời, đề xuất chính sách giải quyết các trường hợp bất cập, chênh lệch giá bồi thường giải phóng mặt bằng giữa các khu vực, đặc biệt là đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư...
TP.HCM thừa nhận lúng túng trong việc hỗ trợ người dân giữa đại dịch Covid-19 |
Giải phóng nguồn lực đất đai để thu hút đầu tư, phát triển
Tại phiên giám sát này, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy H.Hóc Môn cũng có phần phát biểu đáng chú ý. Ông Khuyên đã nêu lên các kiến nghị của người dân H.Hóc Môn.
Cụ thể, H.Hóc Môn có 12 xã, thị trấn, trong đó, có 6 xã gần như đô thị, còn lại trên 60% là đô thị. “Đề nghị H.Hóc Môn cũng như các huyện còn lại được sớm đưa vào quy hoạch chung của đô thị TP.HCM, qua đó mở rộng không gian TP.HCM các phía, giãn dân ở trung tâm. Tự nhiên của H.Hóc Môn rất đẹp, nếu phát triển đô thị là rất lý tưởng”, ông Khuyên nói và cho biết thêm: “H.Hóc Môn xin đề nghị điều chỉnh dân số, có thể từ nay đến năm 2025, 2030 có khoảng 1,2 -1,5 triệu người so với số dân hiện có 600.000 dân trong khi diện tích gần 11.000 ha".
Thông qua dẫn chứng một số khu quy hoạch "treo" tại địa phương nhiều năm nay khiến đời sống người dân ảnh hưởng, không sử dụng được, ông Trần Văn Khuyên đề nghị cần điều chỉnh hợp lý quy hoạch để tạo động lực phát triển.
"Quy hoạch sẽ giải phóng nguồn lực đất đai để thành phố, trong đó có H.Hóc Môn, phát triển. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, góp phần làm cho giá trị đất tăng lên. Chính điều này sẽ tạo điều kiện để đầu tư lại công trình hạ tầng; làm cho công tác quản lý nhà nước, quyền và giá trị sử dụng đất trong dân được đảm bảo", ông Khuyên nói và đánh giá, việc điều chỉnh hợp lý quy hoạch cũng góp phần khắc phục, hạn chế thắc mắc, khiếu kiện của người dân về xây dựng nhà ở.
Bí thư Huyện ủy H.Hóc Môn nói thêm: “Từ những mâu thuẫn các luật, quy định, nhiệm vụ quy hoạch, sử dụng quy hoạch, đề nghị TP.HCM hệ thống lại, có quy định, hệ thống, chứ không phải gây nghẽn. Đảng bộ, chính quyền và người dân H.Hóc Môn khát khao phát triển địa phương mình trở thành đô thị hiện đại của TP.HCM”.
Bình luận (0)