TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022

31/12/2022 18:19 GMT+7

Ngày 31.12, UBND TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2022 với điểm sáng bao trùm là thành phố đã kiểm soát dịch bệnh thành công, kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GRDP là 9,03%.

Đóng góp vào kết quả đó, UBND TP.HCM đánh giá có sự chung tay, góp sức của mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể… đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn. Việc công bố 10 sự kiện nổi bật là hoạt động thường niên của TP.HCM nhằm nhìn lại và đánh giá những sự kiện, hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong năm trên các lĩnh vực.

Dưới đây là danh sách 10 sự kiện:

1. Tổng Bí thư thăm và làm việc với TP.HCM

Ngày 23.9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương Đảng đã đến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ chủ chốt của thành phố về tình hình kết quả phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại TP.HCM

ĐÌNH PHÚ

Tổng Bí thư đã dành tình cảm hết sức đặc biệt cho TP.HCM, trong đó đánh giá “TP.HCM - một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, Thành phố nhiều lần anh hùng, Thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi nên niềm tin yêu, trìu mến trong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế nể trọng”.

Trong bài phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP.HCM để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị cụ thể với tinh thần “TP.HCM vì cả nước" và "Cả nước vì TP.HCM”, tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

2022 nhìn lại: GDP cao kỷ lục và điểm sáng kinh tế Việt Nam

2. Các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhằm khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng thành kính tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đối với những cống hiến to lớn đó.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Võ Văn Kiệt có thời gian dài gắn bó và đóng góp quan trọng đối với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM. Tư duy xuyên suốt cuộc đời hoạt động của ông Võ Văn Kiệt là tất cả vì dân, lo cho dân, đem lại lợi ích cho dân, cải thiện đời sống của dân.

Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tổ chức ngày 22.11 tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

3. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP.HCM được phát triển ngày càng rộng khắp

Tại thành phố mang tên Bác, không gian văn hóa Hồ Chí Minh chứa đựng, hội đủ nhiều giá trị đặc sắc riêng về không gian văn hóa vật thể, phi vật thể không phải nơi nào cũng có được. Không gian văn hóa vật thể Hồ Chí Minh là bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh; tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trước trụ sở HĐND - UBND TP.HCM, trên quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ hướng về bến Bạch Đằng.

Gần đây, nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành, đi vào hoạt động ngay tại trụ sở làm việc, các trường đại học và cả cơ sở thờ tự tôn giáo.

4. Chương trình “TP.HCM Chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”

Chương trình “TP.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” được diễn ra xuyên suốt quá trình tổ chức các sự kiện: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Hội chợ Du lịch Quốc tế, Lễ hội Ẩm thực, Giải Marathon Quốc tế, Giao lưu với đầu bếp quốc tế gắn sao Michelin, Ngày hội Khinh khí cầu... và nhiều sự kiện hấp dẫn do Sở Du lịch phối hợp tổ chức để quảng bá, giới thiệu đến các du khách.

Năm 2022, TP.HCM đón hơn 3,5 triệu khách quốc tế, và 25 triệu khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt 120.000 tỉ đồng.

2022 nhìn lại: Việt Nam đã thực sự vượt qua đại dịch Covid-19?

5. Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022

“Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 - HEF 2022” với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”. Chương trình có sự tham dự của 29 chuyên gia quốc tế, 16 chuyên gia trong nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp; hơn 900 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu trực tuyến.

Diễn đàn lần này khẳng định TP.HCM luôn năng động, sáng tạo, tiên phong triển khai các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, trong đó có Nghị quyết 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và phát triển kinh tế số trong cả nước.

Diễn đàn cũng tạo ra cơ hội hợp tác cho các cơ quan thành phố và chuyên gia trong, ngoài nước, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số.

6. Khánh thành cầu Ba Son

Cầu Thủ Thiêm 2, sau đó được đổi tên thành Ba Son dài gần 1,5 km với 6 làn xe, riêng phần cầu dài 885 m. Cầu được thiết kế kiểu dây văng, có trụ tháp chính với kiến trúc hiện đại cao 113 mét, nghiêng về phía Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 2 được đổi tên thành cầu Ba Son

độc lập

Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.HCM, góp phần hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị này trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính của quốc tế, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.

Cùng với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đặc trưng đang được nghiên cứu đầu tư, cây cầu này được kỳ vọng sẽ trở thành một công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố trên dòng sông Sài Gòn.

7. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử được UBND TP.HCM chính thức ra mắt ngày 29.10.

Hệ thống mới được triển khai đáp ứng đầy đủ các tính năng, được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống xác thực, định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 và nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được mang lại một số lợi ích như: đăng ký, theo dõi hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến; kịp thời nắm bắt các thông tin thay đổi thủ tục hành chính, cũng như thông tin công khai về tiến trình xử lý thủ tục hành chính… Tính đến ngày 28.12, hệ thống này cung cấp 436 dịch vụ công trực tuyến.

8. Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022

Chương trình Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò của nhà nước về kiến tạo, mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chuỗi các hoạt động trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022 do UBND TP.HCM chủ trì tổ chức nhằm tổng kết hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số của cộng đồng trên địa bàn, đồng thời kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM với các tỉnh lân cận, đơn vị trong và ngoài nước.

9. Diễn tập DT 22

TP.HCM tổ chức thành công diễn tập xử lý tình huống về an ninh trật tự kết hợp với diễn tập về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. (DT- 22 TP.HCM). Buổi diễn tập DT-22 có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng trên địa bàn và sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an, Sư đoàn Không quân 370 - Bộ Quốc phòng

Diễn tập DT-22 đóng vai trò rất quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức về công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành xử lý tình huống của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố TP.HCM, Ban Chỉ huy thống nhất các địa phương.

Qua đó, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn xử lý các tình huống tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, bạo loạn, khủng bố xảy ra trên địa bàn; đồng thời giúp củng cố, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng.

10. Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển”

Đây là sự kiện đối ngoại quy mô lớn lần đầu tiên của TP.HCM trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sự kiện được tổ chức nhằm triển khai kế hoạch thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương quốc tế, đặc biệt là các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Đối thoại Hữu nghị TP.HCM 2022 diễn ra từ ngày 2 – 4.12, có sự tham dự của hơn 20 lãnh đạo và đại diện các địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM. Các đại biểu, khách mời chia sẻ về các thách thức và cơ hội phát triển của khu vực và thế giới thông qua việc giới thiệu và thảo luận và các câu chuyện thành công từ địa phương đến khu vực và kết nối các nguồn lực để triển khai các chương trình, sáng kiến hợp tác mang lại lợi ích chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.