TP.HCM: Đề xuất nhà hàng, quán nhậu toàn thành phố được phục vụ rượu, bia

13/11/2021 15:12 GMT+7

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM đề xuất cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ bia, rượu để đảm bảo tính thống nhất thực thi.

Sáng ngày 13.11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và TP.Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.

Tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết toàn thành phố có 75.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ăn uống, nhưng hiện mới chỉ khoảng 60% cơ sở mở cửa. Riêng việc thí điểm kinh doanh thức uống có cồn tại TP.Thủ Đức và Q.7 được triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Đồng thời, 2 đơn vị cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ,Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đề xuất 2 phương án cho phép quán ăn phục vụ bia, rượu

trung tâm báo chí tp.hcm

Ông Vũ dẫn chứng nhiều nước khi xác định sống chung với dịch và mở cửa kinh tế, cho phép kinh doanh ăn uống thì ít đặt quy định có phục vụ đồ uống có cồn hay không mà quy định đi theo nhóm, đi theo gia đình, khống chế số lượng. Hiện nay cũng chưa có báo cáo, đánh giá việc phát sinh dịch bệnh ở cơ sở bán đồ uống có cồn và không bán đồ uống có cồn thì nơi nào nhiều hơn.

Sở Công thương cũng đã lấy ý kiến của một số chuyên gia thì các chuyên gia cho rằng việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, giảm tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin mũi 2 phòng Covid-19 cho học sinh vào ngày nào?

2 phương án mở rộng địa bàn kinh doanh bia, rượu

Do vậy, ông Vũ đề xuất UBND TP xem xét 2 phương án kinh doanh đồ uống có cồn. Phương án 1 là cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ thức uống có cồn trong điều kiện có kiểm soát cụ thể. Điều kiện là các cơ sở phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh ăn uống. Trong đó, khách hàng phải tiêm đủ liều vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày, mật độ phục vụ bàn ăn cách nhau 2m.

Ưu điểm của phương án này là đảm bảo tính thực thi thống nhất trên toàn thành phố, còn nhược điểm của phương án này là chưa linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Sẽ thêm có thêm nhiều địa bàn ở TP.HCM được phép kinh doanh bia, rượu

bích ngân

Phương án 2 là căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 ở từng địa bàn, UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn. Ưu điểm của phương án này là linh hoạt, khai thác hoạt động kinh doanh ăn uống phù hợp với tình hình dịch bệnh, còn nhược điểm là tính thực thi có thể không nghiêm giữa các địa phương. “Đặc thù của thành phố là dòng người di chuyển liên tục, không có ranh giới nên quận này phục vụ thì người dân ở quận khác cũng có thể qua”, ông Vũ nói.

Lãnh đạo Sở Công thương nhìn nhận việc kinh doanh đồ uống có cồn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến khuyến nghị nên mở, có ý kiến tạm ngưng. Trong 2 phương án trên, Sở Công thương nghiêng về phương án 1.

Đề xuất nhà hàng, quán nhậu toàn TP.HCM được phục vụ rượu, bia

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.

Còn lãnh đạo Sở Y tế thì cho rằng trong thời điểm này, thành phố nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn tại hàng quán. Tức là, mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt, tuân thủ nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn và biện pháp phòng, chống dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.