TP.HCM: Giám sát biến chủng Omicron dòng ‘tàng hình’; bố trí F0 không triệu chứng làm việc phù hợp

09/03/2022 13:41 GMT+7

Lãnh đạo TP.HCM đề xuất xem lại hướng dẫn 5K; tiếp tục giám sát biến chủng Omicron dòng BA.2 có khả năng tàng hình và chế độ làm việc phù hợp với F0 không triệu chứng.

Sáng 9.3, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết số ca nhiễm mới tuần gần đây giảm dần, ca nặng ở mức thấp, ca tử vong ở mức thấp nhất ổn định suốt nhiều tuần qua, cho thấy các biện pháp kiềm chế đã phát huy hiệu quả, trong đó có sự chung tay của người dân.

Biến thể Covid-19 'Omicron tàng hình' đang chiếm ưu thế tại TP.HCM

Tập trung chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao

Theo khảo sát của Sở Y tế, kết quả giải trình tự gen bước đầu nhận thấy chủng Omicron trên địa bàn có 64% là biến thể BA.2 và 24% BA.1. Ông Nên đề nghị ngành y tế tiếp tục tập trung chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, cần xem lại hướng dẫn quy trình phù hợp với bình thường mới vì khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) đến nay có 1 số điểm không còn phù hợp. “Ví dụ như khẩu trang, sát khuẩn tương đối quen và làm được nhưng khoảng cách, không tập trung hiện không còn phù hợp. Chúng ta cứ kêu gọi 5K mà không sửa lại phù hợp thì rất khó thực hiện, đúng hơn là nói mà không làm được, không sát tình hình thực tế”, ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cần điều chỉnh khuyến cáo 5K cho phù hợp

SỸ ĐÔNG

Trên thực tế, các cháu đến trường học tập, các cơ quan doanh nghiệp làm việc bình thường thì phải có sự tập trung. Do vậy, cần hướng dẫn phù hợp với thực tế, đảm bảo cho tính khả thi hiệu quả. Tương tự, thủ tục khai báo hướng dẫn cũng cần ngắn gọn tiện để dễ làm, người dân thấy quyền lợi gì trong đó.

Dẫn kết quả số ca nhiễm trong trường học cao nhất là cấp tiểu học, ông Nên nhìn nhận bên cạnh việc chưa tiêm vắc xin thì còn có chuyện các cháu ăn uống, ngủ nghỉ cùng nhau. Ngành y tế và giáo dục phải giải được bài toán này để hạn chế lây nhiễm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Bộ Y tế vừa rồi đã nói xin ý kiến Chính phủ giai đoạn giữa đại dịch và dịch lưu hành, sáng nay một số nước Đông Nam Á đã chuyển sang giai đoạn lưu hành như Indonesia, Malaysia. “Trong giai đoạn quá độ này, chúng ta phải nỗ lực cố gắng, kiềm chế được dịch để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và tới đây mở cửa du lịch đón khách”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế tiếp tục giám sát biến chủng Omicron dòng BA.2 có khả năng tàng hình để cảnh báo và có biện pháp phù hợp dựa trên ý kiến cơ quan chức năng là Bộ Y tế, WHO. Tránh lơ là, mất cảnh giác nhưng tránh lo lắng thái quá dẫn đến những xáo động không tốt.

Sẵn sàng tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi

Ông Phan Văn Mãi đặc biệt quan tâm đến phòng chống dịch ở trường học, đồng thời yêu cầu tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là các em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin.

“Số ca nhiễm đang tăng ở nhóm này và lây lại cho người nhà. Làm sao để kiểm soát được cho trẻ em có nguy cơ, người nhà có nguy cơ để thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro”, ông Mãi nêu yêu cầu. Đồng thời giao ngành giáo dục thành phố rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn của tất cả trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị để sẵn sàng tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị rà soát các bộ tiêu chí để đảm bảo sản xuất, kinh doanh bình thường

ĐỘC LẬP

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của ngành và cơ quan mình. “Các tiêu chí của ngành liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần rà soát kỹ để làm sao vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động bình thường”, ông Mãi nói và yêu cầu hoàn thành trong tháng 3.2022.

F1 không có vấn đề sức khỏe có thể đi làm

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng các bộ tiêu chí an toàn sản xuất, kinh doanh thì quan tâm hơn đến đặc thù của địa phương. Trong đó, đề nghị nghiên cứu để thể hiện trong bộ tiêu chí, theo tinh thần là F1 không có vấn đề gì về sức khỏe thì có thể đi làm, F0 vẫn áp dụng cách ly.

Ông Phan Văn Mãi nói thêm, đối với các cơ quan, đơn vị có F0 không triệu chứng, không có vấn đề sức khỏe và tự nguyện thì vẫn duy trì cách làm việc phù hợp. Bởi trên thực tế, nhiều cơ quan có 30 - 50 F0, cách ly 7 - 10 ngày, thậm chí 2 tuần thì rất bị động công việc.

“Tất nhiên F0 có triệu chứng phải nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe nhưng trường hợp không có triệu chứng gì, vẫn duy trì làm việc trong thời gian cách ly với khối lượng, thời gian phù hợp thì cần tính toán để đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và kể cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Mãi gợi mở.

Để chuẩn bị mở cửa toàn bộ ngành du lịch, hàng không với quốc tế từ ngày 15.3, ông Phan Văn Mãi yêu cầu chuẩn bị các phương án, không để lúng túng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.