TP.HCM kiến nghị ‘tháo biển số, khóa bánh xe’ ô tô trốn phí

Trung Hiếu
Trung Hiếu
26/10/2019 11:10 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM đề xuất Bộ GTVT cho phép TP.HCM thí điểm phương án cưỡng chế như tháo biển số xe, khóa bánh xe, cẩu xe đối với những ô tô dừng đỗ ở lòng đường nhưng không đóng phí.

Sáng 26.10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ở TP.HCM.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng nhiều cơ quan T.Ư, và sở ngành ở TP.HCM.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Ảnh: Trung Hiếu

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, báo cáo các kiến nghị nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm và trong quản lý điều hành giao thông vận tải.

Đáng chú ý, ông Lâm báo cáo về xử lý vi phạm trong sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô theo Nghị quyết 01 HĐND TP.HCM. Theo đó, Nghị quyết 01 cho phép thu phí đỗ xe lòng lề đường tại TP.HCM ở 23 tuyến đường ở Q.1, Q.5 và Q.10 từ ngày 1.8.2018 qua ứng dụng MyParking.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến chưa đạt được mục đích ban đầu, trong đó do quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thu phí khó triển khai trên thực tế.

Từ đó ông Lâm cho biết Sở GTVT đã dự thảo Quy trình xử lý vi phạm trong sử dụng tạm thời lòng lề đường để đỗ xe ô tô theo 2 phương án.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đề xuất những giải pháp quản lý giao thông ở TP.HCM

Trung Hiếu

Đáng chú ý, trong 2 phương án trên, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung lực lượng CSGT, thanh tra giao thông có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành về phí khi sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Lực lượng có chức năng liên quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành nghĩa vụ về sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng lề đường, hè phố.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện phương án cưỡng chế đối với hành vi vi phạm dừng, đỗ xe không đúng quy định, không chấp hành nghĩa vụ về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố như tháo biển số của phương tiện. Cho phép đơn vị hỗ trợ thu phí tại hiện trường khóa bánh xe bằng khóa chuyên dụng, cưỡng chế phương tiện vi phạm bằng xe cẩu chuyên dụng đối với các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, nhưng không đóng hoặc đóng không đủ phí.

Sở GTVT đề xuất thời gian thí điểm 6 tháng.

Thu 184 triệu đồng, chi hết 840 triệu đồng

Trước đó, triển khai Nghị quyết số 01 của HĐND TP.HCM, từ tháng 8.2018, TP.HCM triển khai thu phí qua ứng dụng “My Parking” trên điện thoại di động ở 23 tuyến đường thuộc các quận 1, 5 và 10. Ban đầu việc thu phí được giao cho các quận, nhưng do không hiệu quả, thu không đủ chi, nên công việc này được giao cho Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong.

Mới đây, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong cũng có báo cáo là việc thu phí đỗ ô tô do công ty này thực hiện cũng không hiệu quả. Đơn cử, từ ngày 1.5 đến 11.6, công ty thu phí đạt khoảng 184 triệu đồng, nhưng chi phí nhân công tổ chức đi thu lại hơn 840 triệu. 

Từ đó, công ty này đề nghị Sở GTVT TP.HCM có các chế độ chính sách bổ sung chi phí cho nhân viên thực hiện thu phí.

Tuy nhiên, loạt bài Thu phí đỗ ô tô, tiền vào túi ai? trên Báo Thanh Niên mới đây lại cho thấy việc thất thu phí là do nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong không thu qua phần mềm “My Parking” mà thu “tiền tươi”, và số tiền này không nộp về công ty.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.