TP.HCM chuyển mình thành đô thị đa trung tâm

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
20/05/2024 05:55 GMT+7

Kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa X (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 19.5 đã thông qua nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Chuyển hướng phát triển đô thị

Theo tờ trình của UBND TP.HCM về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trước đây, theo định hướng Quy hoạch chung đến năm 2025 theo Quyết định 24/2010 của Thủ tướng, TP.HCM phát triển theo mô hình tập trung đa cực (còn gọi là đại đô thị).

TP.HCM dự kiến hình thành 5 phân vùng

TP.HCM dự kiến hình thành 5 phân vùng

Ngọc Dương

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình này khó thực hiện. Trước hết là do phân bổ dân số hiện giảm dần ở khu vực trung tâm và tăng nhanh ở các phía. Cùng với đó, TP.HCM chưa hình thành rõ nét các trung tâm lớn, còn đô thị ở khu vực ngoại thành chủ yếu phát triển theo kiểu lan rộng. Ở nhiều khu vực còn phát triển tự phát, thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ.

Do đó, TP.HCM nghiên cứu chuyển mình thành một mô hình đa trung tâm (đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp) mà ở đó có xem xét đầy đủ các yếu tố biến đổi khí hậu, lợi thế địa hình (như sông Sài Gòn, biển Cần Giờ, hệ thống kênh rạch) và nguồn lực về kinh tế.

Theo Sở QH-KT, cấu trúc thành phố đa trung tâm gồm các bậc như trung tâm chính TP.HCM (đa chức năng), trung tâm của các phân vùng, trung tâm thứ cấp các khu vực mang tính liên quan và phường, xã. Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng các khu vực đô thị mang tính chức năng như công nghiệp, logistics, công nghệ, giáo dục, y tế, du lịch…

Theo đó, dự kiến hình thành và phát triển 5 phân vùng: Thứ nhất, đô thị trung tâm với tổng diện tích khoảng 17.000 ha và quy mô dân số hiện khoảng 4,5 triệu người. Đây là vùng có ranh giới phía bắc, phía tây là đường Vành đai 2, phía nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía đông là sông Sài Gòn. Bao gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân và một phần Q.12.

Thứ hai, đô thị phía đông: Đã thành lập TP.Thủ Đức; tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,1 triệu người.

Thứ ba, đô thị phía bắc - tây bắc: Ranh giới phía bắc giáp Tây Ninh, phía tây giáp tỉnh Long An, phía nam là ranh hành chính giữa H.Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2. Bao gồm H.Củ Chi, H.Hóc Môn, một phần Q.12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha và có dân số khoảng 1,4 triệu người.

Thứ tư, đô thị phía tây: Ranh giới phía bắc giáp ranh hành chính giữa H.Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía nam giáp rạch tỉnh Long An; phía đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc; phía tây và phía nam là tỉnh Long An. Bao gồm phần lớn H.Bình Chánh. Tổng diện tích khoảng 23.300 ha, quy mô dân số khoảng 840.000 người.

Thứ năm, đô thị phía nam: Ranh giới phía bắc giáp kênh Đôi, kênh Tẻ, ranh giới phía nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía đông giáp sông Đồng Nai, phía tây là sông Cần Giuộc. Bao gồm Q.7, H.Nhà Bè, một phần H.Bình Chánh và toàn bộ H.Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện khoảng 1,2 triệu người.

Bổ sung khu đô thị lấn biển Cần Giờ vào quy hoạch chung

Về phát triển không gian, trong phạm vi Vành đai 2 (QL1, Nguyễn Văn Linh), TP.HCM tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị mang tính sáng tạo, thương mại. Trong phạm vi Vành đai 3, tăng độ nén tại các khu vực nhà ga metro, tạo quỹ đất để bổ sung cây xanh và xây dựng các hạ tầng để hình thành các trung tâm, khu vực động lực phát triển đô thị chuyên ngành. Còn ngoài Vành đai 3, sẽ giảm phát triển dàn trải tự phát, tập trung phát triển các khu vực có kết nối giao thông vùng tốt (như cao tốc, đường sắt) cùng với việc kiểm soát các điều kiện khí hậu, sinh thái.

Cụ thể, TP.HCM đề xuất 17 trọng điểm phát triển gồm: vùng trung tâm Sài Gòn mở rộng; công viên phần mềm Quang Trung (đã hình thành); khu C30 Q.10 (tái phát triển); khu Tân Kiên (đã hình thành các chức năng y tế); khu Vĩnh Lộc; Thủ Thiêm (đang triển khai); Phú Mỹ Hưng (mở rộng); khu Hưng Long; khu Tân Thuận (chuyển đổi); khu công nghệ cao TP.HCM (đã hình thành); khu Linh Trung; khu Tam Đa - Long Phước; khu Trường Thọ; Tân Phú Trung, Tân Thới Hiệp, Tân Nhị, Tân Thạnh Đông (phát triển mới); Trung An, Hòa Phú (phát triển mới); khu đô thị nước Bình Khánh và khu đô thị lấn biển Cần Giờ và vùng Cần Thạnh mở rộng sang phía tây.

Về giao thông, TP.HCM liệt kê rõ những dự kiến bổ sung kết nối đường bộ, đường sắt quốc gia để củng cố vị trí trung tâm. Đồng thời, ở bên trong, TP.HCM sẽ bổ sung, kéo dài các tuyến đường sắt huyết mạch, giải quyết điểm nghẽn ùn tắc giao thông cửa ngõ. Đáng lưu ý, TP.HCM đặt tầm nhìn đến năm 2060 xây dựng mạng lưới đường sắt với độ dài khoảng 520 km.

UBND TP.HCM có 2 tân Phó chủ tịch

Các đại biểu HĐND TP.HCM đã bầu bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, và ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trước đó, HĐND TP.HCM đã miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND TP.HCM đối với ông Dương Anh Đức và ông Ngô Minh Châu do chuyển công tác mới. Thành ủy TP.HCM đã điều động ông Dương Anh Đức giữ chức Bí thư Quận ủy Q.1 và điều động ông Ngô Minh Châu làm Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.

Như vậy, hiện UBND TP.HCM kiện toàn nhân sự với thường trực gồm:

Chủ tịch là ông Phan Văn Mãi và 5 Phó chủ tịch gồm: ông Võ Văn Hoan, ông Bùi Xuân Cường, ông Nguyễn Văn Dũng, bà Trần Thị Diệu Thúy và ông Dương Ngọc Hải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.